Nở rộ phong trào bóng đá nữ

14/11/2017 06:50

Không chỉ có nam giới mà ngày càng nhiều phụ nữ ở tỉnh ta cũng mê bóng đá. Một số câu lạc bộ đã thành lập và hoạt động có nền nếp, tạo sân chơi thú vị, bổ ích.


Một pha trong trận đấu giao hữu giữa đội "FC gái già" và giáo viên thể chất huyện Tứ Kỳ

Từ thành thị đến nông thôn

Gần 1 năm nay, chị Đỗ Thị Thanh (31 tuổi), giáo viên Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương) cùng các thành viên của đội bóng đá nữ có cái tên khá lạ - “FC Gái già” đã đi thi đấu giao hữu với gần 10 đội bóng đá nữ thuộc các doanh nghiệp, ngân hàng, một số thôn, xã trong tỉnh. Đội đang lên lịch để tổ chức trận giao hữu với một đội bóng nữ giáo viên thể chất trong tỉnh nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Chị Thanh cho biết dù mới thành lập từ đầu năm nay nhưng hiện đội bóng đã có 15 thành viên từ công chức, kế toán, y tá đến giáo viên, sinh viên… tham gia. “Chúng tôi quen nhau qua những trận giao hữu cầu lông nhưng sau thấy mọi người ai cũng thích bóng đá nên thống nhất thành lập đội. Sở dĩ đội lấy tên là "FC Gái già" vì hầu hết thành viên trong đội đều đã ngoài 30 tuổi”, chị Thanh nói.

"FC Gái già" xây dựng quy chế hoạt động, có đội trưởng, đội phó, thường xuyên giữ mối liên lạc qua điện thoại và Facebook. Các thành viên trong đội tự đóng quỹ để mua quần áo, giày, bóng, trả tiền thuê sân cỏ nhân tạo. Khi mới thành lập, đội tập luyện mỗi tuần 1 buổi vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Sau vì thời gian không cho phép nên đội chỉ tập trung thi đấu khi nào liên hệ được “kèo”. Các thành viên tự luyện tập ở nhà để duy trì sức khỏe.

Phong trào bóng đá nữ cũng bắt đầu hình thành tại một số doanh nghiệp. Chị Phạm Thị Ngợi (33 tuổi), công nhân Công ty TNHH ANT ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) cho biết công ty vừa thành lập đội bóng đá nữ, chị cũng đăng ký tham gia. Sau nhiều lần tập luyện, ngày 20.10 vừa qua, lần đầu tiên đội bóng công ty chị đã tổ chức giao lưu với Vietcombank Hải Dương. Chị Ngợi chia sẻ: “Tuy đá không hay nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã được chơi môn thể thao mình thích bấy lâu”.

Tại nhiều vùng nông thôn hiện nay cũng có không ít chị em dù quanh năm bận rộn với việc đồng áng, doanh nghiệp nhưng vẫn hăng hái tham gia chơi bóng đá khi thôn, xã tổ chức. Từ 3 - 4 năm trước, 3trong tổng số 5 thôn của xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) gồm Kim Đôi, Tứ Kỳ Thượng và Đại Đình đã thành lập được đội bóng đá nữ. Riêng 2 thôn Kim Đôi, Tứ Kỳ Thượng còn có cả đội bóng đá nữ phân theo các xóm, đội. Mỗi đội bóng có từ 10-15 người ở nhiều lứa tuổi, thành phần. Vào các dịp lễ 30.4, 2.9 trong năm, các thôn đều tổ chức giao lưu bóng đá nữ giữa các đội, xóm.

Tạo đà để phát triển

Phong trào bóng đá nữ trên địa bàn tỉnh đang phát triển. Điều này trước hết bắt nguồn từ nhu cầu, niềm đam mê cũng như tư tưởng bình đẳng của nhiều chị em. Người thân, các cơ quan, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện về nhiều mặt cho chị em chơi bóng đá cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phong trào này.
Các chị Nguyễn Thị Phương Anh, Nguyễn Thị Kiều Anh, Nguyễn Thị Ngọc Anh là 3 chị em ruột, mỗi người một nghề nhưng đều yêu bóng đá từ nhỏ và đang là thành viên của đội bóng đá nữ "FC Gái già". Chị Phương Anh cho biết mặc dù con còn nhỏ, công việc cơ quan, gia đình rất bận nhưng chị vẫn không bỏ qua bất kỳ trận đấu nào của đội bóng. “Chồng tôi rất thoải mái, luôn tạo điều kiện tối đa cho vợ đi đá bóng. Có lần anh ấy còn đưa cả con đi cổ vũ cho tôi và toàn đội thi đấu”, chị Phương Anh nói.

Đội bóng đá nữ Trường Tiểu học Tiên Động (Tứ Kỳ) thành lập cách đây 3 năm, có 20 thành viên. Mỗi tháng, đội bóng tập luyện 2 - 3buổi, sau giờ sinh hoạt chuyên môn. Thầy giáo Phạm Quang Toản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường duy trì phong trào bóng đá nữ bằng cách đầu tư mua sắm trang phục tập luyện, thi đấu cho các giáo viên nữ, thường xuyên tổ chức giao lưu với một số trường học trong huyện có đội bóng đá nữ. Mới đây, trường còn đầu tư hơn 6 triệu đồng cải tạo lại sân vận động để các nữ giáo viên chơi bóng.

Chị Đỗ Thị Dịu, cán bộ văn hóa- xã hội xã Ngọc Kỳ cho biết chính quyền địa phương rất quan tâm thúc đẩy phong trào bóng đá nữ. Xã duy trì tổ chức giải hằng năm, huy động nguồn xã hội hóa đầu tư cải tạo sân vận động, mua trang phục thi đấu, trao thưởng cho các cầu thủ nhằm khích lệ tinh thần…

 TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nở rộ phong trào bóng đá nữ