Người khởi dựng môn phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam

23/05/2020 16:03

Là người con quê hương Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng), võ sư Lý Băng Sơn đã khởi dựng môn phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam dựa trên nền tảng võ học cổ truyền.

Võ sư Lý Băng Sơn hướng dẫn học trò các thế võ

Cơ duyên với nghiệp võ

Võ sư Lý Băng Sơn tên thật là Bùi Quốc Sơn, sinh năm 1958, ở Hà Nội. Cha ông sinh ra tại tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng (nay là xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng) trong dòng họ Bùi Xuân, một dòng họ có truyền thống thượng võ với các môn võ gậy, thiết lĩnh, lăn khiên, dao đôi… nổi tiếng tỉnh Đông. Do hoàn cảnh gia đình nên ông về Mậu Tài ở với bà nội từ năm 3-4 tuổi. Thường xuyên được xem các chú, các bác trong dòng họ đi quyền, đấu gậy ở sân đình vào những đêm trăng sáng, từ nhỏ ông đã say mê và tự tập luyện các bài quyền, thế võ cổ truyền như thảo thần đồng, phượng hoàng, long hổ quyền…

Lớn lên, ông học ở Hà Nội, cơ duyên đưa ông đến với người thầy dạy võ đầu tiên khi còn là một thiếu niên 13 tuổi. Trong một lần mâu thuẫn dẫn đến xô xát ở ga Hàng Cỏ, phe cậu bé Sơn ngày đó yếu thế và chạy trốn hết, chỉ còn một mình cậu giữa đông đảo đối thủ. Đang lúc nguy cấp, bị gậy, gạch đập vào đầu chảy máu thì có một ông già quắc thước ra tay cứu nguy. Khi tạm biệt, ông đưa cậu địa chỉ của ông ở Trại Nhãn, La Thành (ngày nay là phố Đê La Thành). Một thời gian sau cậu đến nhà ân nhân mới biết ông là võ sư Lý Băng Tâm quê ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), Chưởng môn phái Thiếu Lâm Phật Gia đời thứ 44, do chạy loạn nên lưu lạc sang Việt Nam. Có duyên gặp mặt, võ sư Lý Băng Tâm đã nhận Sơn làm con nuôi và tận tình chỉ bảo những kỹ thuật căn bản của võ học cho cậu, hình thành một phần nền tảng của môn phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam sau này.

Năm 18 tuổi khi đang học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Xuất ngũ năm 1985, trở về Hà Nội, ông vừa dạy học trò, vừa học hỏi để phát triển võ học. Được thầy Lý Băng Tâm căn dặn, ông tìm gặp võ sư Thiện Tâm, Chưởng môn, người sáng lập phái Võ Lâm Chánh Tông ở Việt Nam. Dù các môn phái thường không nhận đệ tử phái khác làm môn đệ, nhưng do tư chất thông minh, ông đã trở thành đệ tử cuối cùng trong thập nhị đại đồ đệ của võ sư Thiện Tâm với võ danh là Bắc Phong Chân nhân. 

Vị ân sư cuối cùng của võ sư Lý Băng Sơn là võ sư Huyền Công Đạo, Chưởng môn, người sáng lập phái Sơn Đông Không Động ở Việt Nam. Vị ân sư này thông thạo nhiều loại binh khí, kỹ thuật kiếm pháp cao minh, được vinh dự biểu diễn cho Bác Hồ xem.


Võ sư thành lập môn phái phù hợp với thể chất, tinh thần người Việt 

Nâng tầm võ thuật cổ truyền

Là đệ tử của các danh sư, võ sư Lý Băng Sơn đã sớm có ý định thành lập phái võ riêng của người Việt. "Tôi muốn xây dựng một môn võ để hoàn thiện các kỹ thuật cổ truyền của dân tộc, vừa học hỏi tính ưu việt của võ học các dân tộc khác. Môn võ này sẽ phát huy tối đa năng lực của bản thân mà không phải dùng quá nhiều sức lực, phù hợp với thể chất và tinh thần của người Việt", võ sư Lý Băng Sơn cho biết.

Với ý tưởng đó, năm 1985, võ sư Lý Băng Sơn thành lập môn phái Võ Lâm Phật Gia tại Hà Nội. Đây là môn võ xuất phát từ cửa thiền, các kỹ thuật tác chiến theo lối chiến đấu của các loài mãnh thú trong rừng. 15 năm nghiên cứu, khổ luyện, năm 2000 ông đã hoàn thiện hệ thống kỹ thuật căn bản của môn phái gồm 152 thế (thay cho hệ thống cũ ông học 72 thế). Ngoài các thế võ tay không, Võ Lâm Phật Gia còn bao gồm kỹ thuật cơ bản của 5 loại binh khí thường gặp là đao, thương, côn, kiếm và đại đao. 

Với tinh thần thượng võ "trung quốc, hiếu gia, hòa nhân thế" (học võ để trung với nước, hiếu với nhà, mang đến bình an cho xã hội), các môn sinh của môn phái đều phải tuân thủ nguyên tắc nhường trước 3 đòn rồi mới đánh trả, khi trả đòn phải nương tay, đến điểm là dừng, không sát phạt, hiếu chiến. Một số nguyên tắc khác là không đánh trẻ con, người già, phụ nữ; không được tự ý thi đấu, biểu diễn võ thuật ở nơi đông người để khoe khoang; nghiêm túc chấp hành pháp luật... Võ sinh nào vi phạm nội quy sẽ bị đuổi khỏi môn phái. Đến nay, môn phái đã phát triển tại 13 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Sơn La, Tuyên Quang... và nhiều chi phái ở nước ngoài với hàng nghìn võ sinh tham gia.

Là người con của quê hương Cẩm Giàng, võ sư Lý Băng Sơn đã học hỏi tinh hoa võ học cổ truyền của dân tộc để nghiên cứu, sáng tạo ra môn võ phù hợp với tinh thần, văn hóa dân tộc, góp phần nâng võ thuật cổ truyền lên tầm cao mới.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người khởi dựng môn phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam