Bốn chàng trai Hải Dương ở đội bóng lịch sử

18/02/2018 22:00

Kỳ tích tại vòng chung kết U23 châu Á đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Thật tự hào trong đội hình U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ấy có tới 4 chàng trai người Hải Dương.


Các tuyển thủ U23 Việt Nam quê Hải Dương:  Đức Huy, Văn Thanh, Văn Toàn, Trọng Đại (từ trái qua) tại Thường Châu (Trung Quốc). Ảnh do gia đình cầu thủ Văn Toàn cung cấp

Dáng đứng Văn Thanh

Cú sút penalty cuối cùng của Vũ Văn Thanh trong trận bán kết với U23 Qatar đã làm cho tất cả người Việt Nam ở trong và ngoài nước vỡ òa sung sướng. Sau quả sút phạt quyết định đó, dáng đứng ăn mừng hiên ngang, ngạo nghễ của Văn Thanh đã gây sốt trên mạng xã hội. Người ta bình luận đó là "dáng đứng Việt Nam", là hành động khẳng định sự đổi thay của cả một nền bóng đá bao năm qua vẫn loay hoay ở "vùng trũng" Đông Nam Á, nay đã vươn ra tầm châu lục.

Văn Thanh sinh ra và lớn lên ở thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường (Thanh Miện). Ông Vũ Văn Hộ, bố của Văn Thanh cho biết: "Thanh là con út nên ít phải làm việc nhà. Cứ rảnh là Thanh lại ra sân bãi của thôn để đá bóng với bạn".

Năm 2006, Vũ Văn Thanh được các chuyên gia để ý khi em tham gia Giải bóng đá U10 huyện Thanh Miện. Cũng kể từ đây, nghiệp “quần đùi, áo số” đã theo Văn Thanh đến tận bây giờ. Sau giải U10 huyện Thanh Miện, Thanh được gọi vào đội tuyển nhi đồng của Hải Dương. Năm 2007, đội tuyển nhí Hải Dương đã xuất sắc vượt qua Gia Lai trong trận chung kết Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc - Cup Yamaha 2007 để bước lên ngôi vô địch. Niềm vui được nhân đôi khi Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai mở khóa đào tạo đầu tiên và Vũ Văn Thanh là một trong những cầu thủ được điểm tên trong danh sách học viên.

Trên sân bóng, Văn Thanh hoạt động xông xáo, hiệu quả ở nhiều vị trí như hậu vệ cánh trái, tiền vệ. Anh được ví như "bức tường thép" vững chắc, nơi mà ban huấn luyện, đồng đội và cổ động viên có thể đặt niềm tin vào.

Đức Huy - "Người không phổi"

Chỉ xem Phạm Đức Huy đá trong một trận cầu ở V-League 2017, huấn luyện viên Park Hang-seo với con mắt tinh nghề của mình đã chọn anh đá tiền vệ trung tâm bên cạnh Xuân Trường dẫu vị trí sở trường của anh là tiền vệ trái. Đức Huy đã thích ứng rất nhanh với vị trí đá quét phía trên hàng phòng ngự. Cũng từ đây, biệt danh Huy "máy quét" được các cầu thủ U23 Việt Nam đặt cho anh. Trong những trận đấu tại vòng chung kết U23 châu Á, Đức Huy cùng với Xuân Trường quán xuyến khu vực giữa sân, giữ vững thế trận trước các đối thủ mạnh và cũng tăng tốc rất nhanh ở các pha phản công.

Trong đội U23 Việt Nam, Đức Huy được mệnh danh là "người không phổi", là một trong những cầu thủ hoạt động nhiều nhất trên sân nhưng chưa bao giờ bị thở dốc hay chuột rút. Chính thể lực sung mãn đã giúp anh gánh cho đồng đội ở những hiệp phụ đá với Iraq và Qatar. Đức Huy luôn hoạt động hết công suất mỗi khi ở trên sân.

Đức Huy sinh năm 1995, ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng, cùng huyện Thanh Miện với Văn Thanh. Anh nổi lên cùng lứa Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh ở đội tuyển U19 Việt Nam từ năm 2013.

Theo lời ông Phạm Đức Đông - bố Đức Huy, từ năm học lớp 1, Huy trở thành "cái đuôi" theo anh trai Phạm Văn Duy đi khắp làng trên xóm dưới trong các trận bóng giao hữu. Khi lên lớp 4, Đức Huy có mặt ở tất cả các giải bóng đá thiếu nhi của trường, xã, huyện và thường đá đôn tuổi. Học giỏi toán nhưng Đức Huy đã chọn nghiệp cầu thủ vì quá đam mê quả bóng tròn. Khi mới 10 tuổi, Đức Huy đã được chọn đi học tại Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao của tỉnh.

Văn Toàn - của hiếm

May mắn hơn Văn Thanh và Đức Huy, cầu thủ Nguyễn Văn Toàn được sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và có truyền thống đam mê bóng đá ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương). Từ khi còn nhỏ, Văn Toàn đã được bố là ông Nguyễn Văn Tạo cho đi xem các trận bóng lớn nhỏ ở Hải Dương. Sớm tiếp xúc với bóng đá đã giúp niềm đam mê quả bóng tròn theo Văn Toàn lớn lên từng ngày.

Năm 2007, sau khi U11 Hải Dương giành chức vô địch quốc gia, Văn Toàn cùng Văn Thanh đã được tuyển thẳng vào Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Asenal JMG để đào tạo chứ không phải thi tuyển như nhiều học viên khác.

Ông Tăng Văn Quế, cậu ruột của Văn Toàn nhận xét về người cháu yêu của mình: "Toàn là người điềm tĩnh, ít nói, ngoan và dễ gần, rất tốt với mọi người. Vì theo bóng đá, cháu không có thời gian nhiều cho học tập, nhưng cháu rất thông minh, thành tích học tập rất tốt”.

Văn Toàn là một tài năng thuộc vào loại hiếm của bóng đá Việt Nam. Anh thuộc mẫu tiền đạo rất đặc biệt vì không có thể hình lý tưởng đối với một tiền đạo (chỉ cao 1m69, nặng 65kg), nhưng bù lại Văn Toàn lại sở hữu kỹ năng săn bàn tuyệt hảo với những cú rướn người bứt tốc và những cú ngoặt chân rất điệu nghệ bên hành lang phải.

Giấc mơ của Trọng Đại

Chưa nhìn thấy tuyển thủ U23 quốc gia Nguyễn Trọng Đại ra sân tại giải lần này nhưng trong lòng mỗi người dân quê anh ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng), chàng tiền vệ sinh năm 1997 này vẫn là một người hùng.

"Lúc còn nhỏ, tôi đã phát hiện Đại rất thích chơi bóng, bé thì bóng nhựa, lớn hơn thì bóng cao su", ông Nguyễn Trọng Lục - bố của Đại nói. Đại từng trốn bố mẹ không ngủ trưa để đi đá bóng với bạn bè. Ông Lục thấu hiểu đam mê ấy và đã trở thành người "truyền lửa" cho con đến với bóng đá chuyên nghiệp.

Năm 2008, trong Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, đội tuyển bóng đá nhi đồng Hải Dương đoạt giải nhất, Trọng Đại đoạt danh hiệu "vua phá lưới" và "cầu thủ xuất sắc nhất". Năm 2009, Trọng Đại được tuyển chọn vào Câu lạc bộ Thể Công (nay là Viettel), đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp của thủ lĩnh đội tuyển U20 quốc gia.

Trọng Đại là gương mặt nổi bật của lứa cầu thủ sau lớp Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Gương mặt điển trai, chiều cao 1m84 và đặc biệt có thể chơi nhiều vị trí như tiền vệ trụ hay trung vệ, chắc chắn Đại sẽ còn nhiều cơ hội cống hiến cho bóng đá nước nhà.

Trọng Đại từng chia sẻ với báo Bongdaplus.vn: "Từ lâu tôi luôn nghĩ về một đội hình toàn những cầu thủ người Hải Dương cùng thế hệ với tôi. Đó là anh Văn Toàn, Đức Huy, Việt Hưng hay bạn Hoàng Đức, Đức Chiến, em Tiến Anh…”.

ĐỖ QUYẾT - LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bốn chàng trai Hải Dương ở đội bóng lịch sử