''Ông trùm'' VFC Đỗ Thanh Hải: Chúng tôi không làm phim chỉ để thoả mãn mình

25/05/2020 20:47

"Phía Bắc chúng tôi khi không được nhà nước nuôi nữa bắt buộc phải chiến đấu để tồn tại. Tôi nghĩ khi người ta bị dồn đến chân tường thì hoặc chết hoặc nhảy bật lên mà thoát thân", đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.

Giải Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam đã được trao, thêm một lần nữa VFC lại thắng lớn với hầu hết các giải ở hạng mục quan trọng như Phim xuất sắc nhất, đạo diễn, diễn viên, quay phim xuất sắc nhất... VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC - người được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đặt cho nickname thân thương "ông trùm'' VFC.

 Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và NSND Hoàng Dũng, diễn viên Việt Anh

 Khi không được nhà nước nuôi nữa bắt buộc phải chiến đấu để tồn tại

- Ngạc nhiên? Hạnh phúc? Biết thừa? Vẫn còn luyến tiếc? Cảm xúc của anh thế nào khi giải Cánh diều cho phim truyền hình được trao gần hết cho VFC?

- Thế theo bạn tôi sẽ nên có cảm xúc thế nào? Không thể nói là ngạc nhiên được vì như thế thì... "diễn". ''Về nhà đi con'’ đã được nhiều bằng khen và giải thưởng trước đó rồi. Biết thừa cũng không đúng vì mọi cuộc thi đều có bất ngờ, đến Oscar năm nào cũng còn gây tranh cãi cơ mà. Luyến tiếc thì không, năm nay chúng tôi không có gì để luyến tiếc, làm hết sức rồi. Thế thì chỉ còn hạnh phúc thôi.

- Nhìn cả một chiều dài phát triển của phim video và truyền hình, phải nói rằng các hãng phim phía Nam đã có một giai đoạn hoàng kim, đó là thời kỳ những năm 1990, rồi dần dần nhường ngôi cho phía Bắc. Những năm gần đây, các phim của VFC được công chúng Nam - Bắc đều đón nhận, chiếm thị phần gần như tuyệt đối không chỉ giải thưởng mà cả rating. Theo anh điều này đến từ đâu và vì sao lại có sự soán ngôi này?

- Chúng tôi phải tự phân tích về mình ư? Đánh đố quá! Thật ra tôi nghĩ không nên dùng từ ''soán ngôi'' bởi mỗi chặng đường phát triển của phim truyền hình Việt Nam đều có những đặc trưng riêng, tác động bởi bối cảnh xã hội. Thời những năm 1980-1990, phim video phía Nam phát triển hơn phía Bắc vì kinh tế thị trường trong Nam cũng phát triển hơn. Các anh chị em làm phim trong ấy năng động, các nhà đầu tư cho phim ảnh cũng sẵn sàng chơi lớn, người xem cũng chịu khó ra rạp.

Phía Bắc giai đoạn ấy chưa có tâm lý này, mọi thứ vẫn trông cậy vào nhà nước là chính. Sau này phim truyền hình phía Nam vẫn tiếp tục theo con đường ấy, các nhà đầu tư vẫn chịu chơi hơn phía Bắc. Nhưng phía Bắc chúng tôi khi không được nhà nước nuôi nữa bắt buộc phải chiến đấu để tồn tại. Tôi nghĩ khi người ta bị dồn đến chân tường hoặc chết hoặc nhảy bật lên mà thoát thân.

- Nghĩa là các anh đã nhảy bật lên được để không bị chìm nghỉm vì phim phía Nam, phim Hàn quốc và Trung Quốc?

- Không! phim VFC đã bao giờ chìm nghỉm đâu, chỉ đã từng có khó khăn như tất cả các phim Việt Nam trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các nước có nền phim ảnh phát triển hơn thôi. Chúng tôi mừng vì đã đi đúng hướng, có thể bật lên cùng nhau.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người đứng sau hàng loạt bộ phim truyền hình hot

- Theo anh dấu mốc nào quan trọng với VFC nhất để được coi là đi đúng hướng?

- Sao bạn moi hết ruột gan tôi ra thế? Tôi nghĩ là có nhiều mốc khác nhau, có mốc khán giả nhìn thấy được và có mốc chỉ những người làm phim chúng tôi tự thấy. Những dấu mốc mà công chúng có thể thấy đầu tiên phải kể đến là chúng tôi tầm sư học đạo. Hợp tác với các bạn Nhật, Hàn Quốc, học cách tổ chức làm phim của họ, những kỹ năng nghề, đấy là giai đoạn của các phim ‘'Người cộng sự'’, ‘'Tuổi thanh xuân'’, ‘'Khúc hát mặt trời’'. Tiếp đến là hợp tác với các hãng phim thuộc một nền công nghiệp sản xuất phim chuyên nghiệp như 20th Century Fox, CBS (Mỹ)...

Một mốc khác nữa thật ra tôi rất thích là VFC trở thành ngôi nhà của nghệ sĩ phim ảnh cả hai miền. Giai đoạn '‘mỳ ăn liền'’ chỉ có các bạn làm phim phía Nam đóng với nhau. Giai đoạn đầu của VFC cũng chưa có nhiều sự tham gia của các nghệ sĩ phía Nam, bây giờ VFC là nơi mà Nam Bắc gặp gỡ trong nhiều tác phẩm. Phim của chúng tôi không còn dấu ấn vùng miền mà nó mang sắc diện của phim Việt Nam. Chúng tôi thì hạnh phúc làm việc cùng nhau, công chúng thì được hưởng lợi với những bộ phim giàu có hơn vì có được sự đa dạng văn hoá.

''Ông trùm'' VFC Đỗ Thanh Hải bên diễn viên: Diễm My 9x, Lã Thanh Huyền, Nhan Phúc Vinh

Không chọn cách làm phim nhàn hạ 

- Nói một cách công bằng VFC đã có được những tác phẩm bắt nhịp được các vấn đề của xã hội rất nhanh, như 'Sinh tử', phản ánh khá mạnh và sâu sắc vấn đề chống tham nhũng, lợi ích nhóm, gần đây nhất là 'Những ngày không quên' được lên sóng nhanh chuyển tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc phòng chống dịch Covid-19, liệu đây có là một tiêu chí mà các anh đặt ra cho mình, như một điều kiện để tồn tại và phát triển?

- Đây không phải tiêu chí đâu mà là tim, là não là mồ hôi nước mắt của anh em. Đừng quên là chúng tôi thuộc VTV, cơ quan báo chí lớn nhất nước, nghĩa là phim ảnh của chúng tôi không được phép chỉ là những tác phẩm hoặc thuần nghệ thuật, hoặc thuần giải trí, tác phẩm của chúng tôi phải có giá trị về mặt xã hội, đấy là nhiệm vụ. Không có văn bản nào giao mà chúng tôi tự giao cho mình. Một tác phẩm của VFC nghĩa là phải có tính xây dựng xã hội được đặt lên hàng đầu, có tính giải trí để thu được tiền quảng cáo về cho VTV, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất và có tính nghệ thuật để anh em làm phim nhìn nhau còn trọng thị.

- Nói như thế liệu có mất đi tính hồn nhiên của người làm nghệ thuật, thưa anh?

- Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một thời đại mà ngay cả cái đẹp cũng không còn tiêu chí như trước kia nữa, ngoài ra nếu một bộ phim mà ít nhiều có tác động xã hội tốt thì cũng nên gọi là đẹp, theo một khái niệm nào đó. Nói chân thành, nếu chúng tôi làm phim chỉ để thoả mãn khát khao của người nghệ sĩ có thể lại nhàn hơn, nghĩa là chỉ tập trung cho nghệ thuật nhưng chúng tôi không thể thế, chúng tôi không làm phim chỉ để thoả mãn mình.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Khải Anh bên dàn nam diễn viên hay xuất hiện trong các bộ phim của VFC

- Anh vừa nói đến tiền mang về cho VTV, được biết những năm qua, hàng loạt các phim của VFC tạo doanh thu cao, là nguồn thu lớn của VTV?

- Chúng tôi tự nuôi được nhau, anh em cuối năm có thưởng và đóng góp một phần không nhỏ cho đài.

- Lâu rồi không thấy anh làm đạo diễn, vì anh bận làm quản lý hay anh không muốn lăn lộn vất vả như thời trước?

- Ngày nào tôi cũng đọc kịch bản, duyệt nháp dựng và nói về phim ảnh, cách sáng tạo phim với anh em đạo diễn, đấy cũng là một cách làm phim gián tiếp nhỉ?. Nói vậy thôi chứ cũng nhớ đấy, sẽ có ngày tôi làm phim, nếu có kịch bản thấy hợp.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
''Ông trùm'' VFC Đỗ Thanh Hải: Chúng tôi không làm phim chỉ để thoả mãn mình