Nhất trí sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã

21/10/2021 11:02

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vào chiều 20.10.


Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận tổ trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), đại biểu nhất trí về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về trách nhiệm của công an xã trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm vì hiện nay đội ngũ công an chính quy đã được điều động về các xã được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, năng lực, kinh nghiệm công tác nên phát huy tốt trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Đặc biệt, đối với các xã miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của Công an xã góp phần rất quan trọng trong giai đoạn ban đầu của giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bởi khi nhận được tố giác, tin báo, công an xã sẽ nhanh chóng, kịp thời cử lực lượng đến tham gia bảo vệ hiện trường và tiến hành các biện pháp cấp bách tại hiện trường như: ngăn chặn ngay hành vi phạm tội đang xảy ra hoặc có thể tiếp tục xảy ra; tiến hành bắt người phạm tội quả tang, truy bắt đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo dấu vết nóng; ngăn chặn việc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ hoặc tẩu tán tang vật; đánh dấu các vị trí, cũng như bảo vệ các dấu vết của hiện trường và cấp cứu người bị nạn; ghi lời khai ngay của những người có liên quan đến vụ việc phạm tội đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu các tin báo, tố giác không được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì có thể dẫn đến Cơ quan điều tra sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh vì các tố giác, tin báo về tội phạm chưa được kiểm tra, xác minh sơ bộ, nhiều dấu vết tội phạm có thể không còn.

Tuy nhiên, về tổng thể khoản 3 Điều 146 cần nghiên cứu lại vì nội dung này cũng đã được quy định tại Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015: “1. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.

Đại biểu nhất trí với dự thảo về việc bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148, bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229, bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247. Bởi, theo quy định của BLTTHS hiện hành, tại khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật, nguy cơ các vụ việc, vụ án bị đình trệ, có khả năng không thể hoàn thành trong thời hạn tố tụng theo quy định của BLTTHS. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra; điều này dẫn đến việc xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong khi việc đình chỉ điều tra không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc đình chỉ điều tra trong trường hợp này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Do đó, dự thảo bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tạm đình chỉ vụ án là cần thiết.

Việc bổ sung như dự thảo cũng là phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay. Như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc, một số địa phương đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa cục bộ theo khu vực. Nhiều trường hợp người tham gia tố tụng bị nhiễm bệnh hoặc bị cách ly theo quy định của ngành y tế, đặc biệt khi người bị buộc tội bị nhiễm bệnh, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể tiếp xúc để hỏi cung, phúc cung; hoặc bị can đang bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ đã dừng các hoạt động hỏi cung, phúc cung do không được phép trích xuất ra khỏi buồng giam giữ. Nhiều trường hợp cơ quan, người tiến hành tố tụng bị cách ly, phong tỏa do có người nhiễm Covid-19; người bào chữa, người phiên dịch, người dịch thuật... không thể tham gia các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng do tình hình dịch bệnh... Dự báo trong thời gian tới, thế giới cũng như Việt Nam sẽ phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được dịch Covid-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm hơn, khả năng lây nhiễm cao hơn.

PV

(0) Bình luận
Nhất trí sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã