Mỹ phủ quyết nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Jerusalem

19/12/2017 06:10

Nước Mỹ lại một lần nữa bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau quyết định ngày 6.12 của Tổng thống Donald Trump.

Mỹ là nước duy nhất phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) do Ai Cập soạn thảo, kêu gọi Washington rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel rạng sáng 19-12 (giờ VN)


Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trong phiên bỏ phiếu ngày 19.12

Nước Mỹ lại một lần nữa bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau quyết định ngày 6.12 của Tổng thống Donald Trump.

 14 quốc gia còn lại, bao gồm 4 thành viên thường trực của HĐBA, dù không đề cập trực tiếp tới ông Trump hay chính quyền Washington, đã bày tỏ "sự tiếc nuối sâu sắc tới quyết định gần đây liên quan tới địa vị của Jerusalem". 

Dự thảo nghị quyết do Ai Cập soạn thảo và thúc đẩy bỏ phiếu khẳng định "bất kỳ quyết định và hành động nào làm thay đổi hiện trạng, địa vị và thành phân nhân khẩu học của thành phố Jerusalem là vô hiệu pháp lý, không có ý nghĩa và phải bị hủy bỏ bởi các nghị quyết liên quan của HĐBA".

Dự thảo cũng kêu gọi các quốc gia kiềm chế không thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao tại thành phố Jerusalem.

"Những gì chúng ta chứng kiến tại HĐBA hôm nay là một sự sỉ nhục", Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu sau phiên bỏ phiếu, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua Mỹ sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA.

"Thực tế là quyền phủ quyết được Mỹ sử dụng để bảo vệ chủ quyền của nước Mỹ, bảo vệ vai trò của nước Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông và chúng tôi không có gì phải xấu hổ hay bối rối, các quốc gia còn lại mới là người nên xấu hổ", hãng tin Reuters dẫn lời bà Haley nhấn mạnh.

Từ Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đăng một video clip lên trang Facebook cá nhân cảm ơn bà Haley và tổng thống Trump. 

Ngoại trưởng Ai Cập thông báo Liên đoàn Ả rập sẽ tiếp tục nhóm họp để bàn các hướng đi tiếp theo sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết.

Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki tuyên bố sẽ tìm kiếm một phiên họp khẩn của Đại hội đồng LHQ về quyết định của tổng thống Mỹ.

Theo một nghị quyết được thông qua năm 1950, một phiên họp khẩn của Đại hội đồng có thể được triệu tập để xem xét một vấn đề "nhằm đưa ra các khuyến nghị thích hợp cho các thành viên về hành động tập thể" nếu HĐBA không hành động.

Cho đến nay mới chỉ có 10 phiên họp khẩn đặc biệt như vậy được triệu tập, lần cuối cùng là vào năm 2009 bàn về các động thái của Israel trong các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Bất kỳ kết quả nào của những phiên họp trên đều không mang tính ràng buộc nhưng có trọng lượng và ý nghĩa chính trị rất cao.

Jerusalem là nơi chung sống của 3 tôn giáo hàng đầu thế giới, gồm Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái Giáo. Theo kết quả nghiên cứu của một viện nghiên cứu độc lập tại Jerusalem, có khoảng 850.000 người đang sinh sống tại đây, trong đó người Arập chiếm 37% và người Do Thái chiếm khoảng 61%.

BẢO DUY (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ phủ quyết nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Jerusalem