Chính phủ châu Âu trả lương lao động thay doanh nghiệp

26/03/2020 10:16

Để tránh sa thải diện rộng do COVID-19, các chính phủ châu Âu chọn cách "đắt đỏ" là trả lương lao động giúp doanh nghiệp để họ giữ người.

Mỹ và châu Âu đang vật lộn để bảo vệ công ăn việc làm trước sự bùng phát của đại dịch. Nhưng trong khi Mỹ đang cố gắng làm giảm khó khăn cho hàng triệu người đã mất việc bằng trợ cấp thất nghiệp đơn thuần thì châu Âu có cách tiếp cận khác, là ngăn họ không bị sa thải ngay từ đầu.

Những ngày qua, các chính phủ trên khắp lục địa già đã triển khai nhiều chương trình mới, hoặc mở rộng các chương trình hiện có, để trợ cấp tiền lương cho những người lao động nhàn rỗi, giúp người sử dụng lao động không sa thải nhân viên ngay cả khi họ không làm gì.

Trong tháng này, Đức đã cho phép doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình trợ cấp lương lao động. Chính phủ Đức cho biết, họ đã nhận được 77.000 đơn đăng ký thất nghiệp một phần vào tuần trước, so với mức trung bình hàng tuần là 600 vào năm ngoái.

Trong khi đó, là một phần của gói biện pháp khẩn cấp, chính phủ Pháp cho biết sẽ trả 84% lương cho bất kỳ nhân viên nào bị cho nghỉ việc tạm thời, lên tới 5.330 euro mỗi tháng thay vì 1.219 euro theo kế hoạch trước đó.

Ở Hà Lan, bất kỳ công ty nào dự kiến giảm doanh thu ít nhất 20% đều có thể xin trợ cấp để trả tới 90% tiền lương cho nhân viên trong ba tháng. Chính phủ sẽ tạm ứng tới 80% số tiền được yêu cầu.

Ở Tây Ban Nha, người lao động có thể kiếm được 70% lương cơ bản dưới dạng trợ cấp thất nghiệp, giới hạn ở mức 1.400 euro mỗi tháng. Khi thời gian nghỉ việc tạm thời kết thúc, các công ty phải thuê lại tất cả các công nhân trong ít nhất sáu tháng. Các chính sách tương tự cũng được triển khai ở các quốc gia Scandinavia.

Công nhân rời nhà máy của Volkswagen tại Wolfsburg (Đức) vào tối ngày 19/3. Ảnh: Reuters

Công nhân rời nhà máy của Volkswagen tại Wolfsburg (Đức) vào tối ngày 19.3. Ảnh: Reuters

Mô hình triển khai khác nhau ở từng quốc gia, nhưng nhìn chung, những người lao động sẽ thấy trong bảng lương của họ có tất cả hoặc một phần được trả bởi chính phủ, ngay cả khi họ đang ngừng làm việc hoặc làm việc ít hơn theo ca.

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp này không chỉ cứu trợ nhanh chóng cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ suy thoái đột ngột mà còn có tác dụng giúp các công ty một khi hoạt động bình thường trở lại không phải mất thời gian tuyển dụng và đạo tạo nhân viên mới.

"Một số đặc điểm cấu trúc của thị trường lao động Tây Âu có thể hữu ích trong việc giảm thiểu tác động hơn so với Mỹ", Malcolm Barr, nhà kinh tế tại JPMorgan nói. "Các mối quan hệ việc làm thường ổn định hơn Mỹ", ông nói thêm.

Ở cấp độ vĩ mô, việc duy trì thu nhập cho người lao động ít nhất trong một khoảng thời gian giới hạn, có thể hỗ trợ lực cầu thị trường và do đó giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Đây không phải là lần đầu tiên châu Âu thử nghiệm công thức này.

Khi nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng sau sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, việc triển khai nhanh chóng các chương trình trợ cấp lương đã cứu được 580.000 việc làm ở Đức và 130.000 việc làm ở Italy, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. "Các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn tác động đáng kể trong việc duy trì công ăn việc làm trong khủng hoảng tài chính toàn cầu", tổ chức OECD kết luận.

Một số nhà hoạch định chính sách nói rằng Mỹ nên theo cách tiếp cận của châu Âu. Neel Kashkari, người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, ủng hộ việc cung cấp các khoản vay có thể miễn trả cho các doanh nghiệp nhỏ để họ không sa thải nhân viên. "Sẽ tốt hơn nhiều cho những người đóng thuế và cho đất nước nếu giữ các doanh nghiệp nhỏ tồn tại và giữ cho đội ngũ nhân viên của họ còn nguyên vẹn", ông nói.

Tuy nhiên, vẫn có những nhược điểm khác trong cách tiếp cận của châu Âu. Đầu tiên, các chương trình này tiêu tốn ngân khách rất đáng kể và không phải quốc gia nào cũng có thể chi trả, đặc biệt nếu suy thoái kéo dài. Trong một tình huống chưa từng như Covid-19, không thể ước tính mức độ lao dốc sẽ ra sao và kéo dài bao lâu.

Khoảng 1,5 triệu công nhân Đức được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp tại đỉnh chương trình năm 2009, với tổng ngân sách khoảng 4,6 tỷ euro (4,9 tỷ USD) vào năm đó, theo Commerzbank. Lần này, kinh trế trì trệ ở diện rộng hơn có nghĩa là kế hoạch cần được triển khai trên khoảng 4,5 triệu công nhân trong vài tháng, theo Joerg Krämer, Kinh tế trưởng của Commerzbank.

Bộ Lao động Đức ước tính rằng khoảng 2,35 triệu công nhân sẽ thuộc diện nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí là 10 tỷ euro. Điều này nằm trong khả năng bởi chính phủ nước này đang còn khoảng dữ trữ 26 tỷ euro. Pháp thì dự kiến kế hoạch hỗ trợ lương sẽ tiêu tốn 8,5 tỷ euro trong hai tháng. Tuy nhiên, các quốc gia đang bị thâm hụt ngân sách cao hoặc đang bước vào cuộc khủng hoảng với mức thất nghiệp cao có thể phải vật lộn mệt mỏi nếu muốn áp dụng chính sách này.

Ngoài ra, trong 12 tháng sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng 3,6 điểm phần trăm, lên 9,6%. Tại khu vực đồng euro, tỷ lệ này tăng 2,4 điểm phần trăm, lên 9,9%. Song, về lâu dài, thị trường việc làm của Mỹ tỏ ra mạnh mẽ hơn so châu Âu. Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của eurozone đạt đỉnh vào tháng 6.2013, trong khi đỉnh của Mỹ là cuối năm 2009.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ châu Âu trả lương lao động thay doanh nghiệp