Vì sao cờ bạc lộng hành?

20/03/2018 09:06

Phải chăng thói “dầy ăn mỏng làm”, chỉ mong giàu nhanh nhờ may rủi, nhờ sát phạt nhau đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt thời nay?

Một trong những thông tin nóng nhất trong tuần là việc ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tổ chức đánh bạc. 

Nhiều người cảm thấy sốc khi nghe tin này, nhưng với tôi, cảm giác lại là chua xót. Chua xót bởi vì một vị tướng, một cán bộ cấp cao của ngành công an bị bắt vì bảo kê cho đường dây đánh bạc lớn đúng vào dịp ngành kỷ niệm 70 năm Bác Hồ có 6 điều dạy Công an nhân dân. Chua xót vì trước đó đã nhiều vụ việc tai tiếng khác liên quan đến ngành công an khiến dư luận cảm giác dường như “nồi canh” này đang có nhiều “sâu”.

Tôi không sốc khi tướng Hóa bị bắt bởi với quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng ta thì chuyện không có vùng cấm trong xử lý vi phạm là hết sức bình thường. Nhưng không thể coi chuyện công an bảo kê cho tội phạm là bình thường, nhất là với cán bộ cấp cao như ông Hóa.

Ai đã từng có người thân vướng vào cờ bạc với vòng xoáy nợ nần triền miên, cuộc sống không một ngày bình yên mới thấu hiểu nỗi khổ do cờ bạc gây ra. Người xưa có câu “của cờ bạc thì để ngoài sân” hay “cờ bạc là bác thằng bần” là để cảnh báo những hệ lụy của tệ nạn này. Đáng tiếc, kinh tế - xã hội càng phát triển, nạn cờ bạc không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Từ chơi xóc đĩa, đánh ba cây đến sử dụng máy bắn cá, chơi liêng hay cao hơn là cá độ bóng đá, hầu như trò cờ bạc nào tỉnh ta cũng có. Suốt từ Tết Mậu Tuất đến nay, báo chí thường xuyên đưa tin về các vụ đánh bạc trong tỉnh bị bắt quả tang. Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử vụ án liên quan đến cá độ bóng đá qua mạng với nhiều bị cáo. Trước đó, năm 2017 tại xã Việt Hồng (Thanh Hà), dư luận cho rằng có người của xã đã phải tự tử do nợ nần vì thua bạc. Không ít cán bộ, đảng viên đã vào vòng lao lý hoặc bị kỷ luật, mất chức chỉ vì cờ bạc như vụ việc ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang) hồi tháng 9.2017.

Ai cũng biết đánh bạc, tổ chức đánh bạc là phạm pháp nhưng hành vi này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Vì sao? Phải chăng thói “dầy ăn mỏng làm”, chỉ mong giàu nhanh nhờ may rủi, nhờ sát phạt nhau đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt thời nay? Phải chăng vì chế tài xử lý của pháp luật đối với tội đánh bạc vẫn chưa đủ sức răn đe? Thì đây, việc nguyên cục trưởng công an cũng bị khởi tố về tội này là một trong những câu trả lời. Lâu nay dư luận cứ xì xầm rằng nhiều sới bạc hoạt động công an biết cả đấy nhưng vẫn cứ làm ngơ(!?). Người của ngành công an lại bảo biết thì biết nhưng bắt bạc là phải bắt quả tang mà tội phạm thì thủ đoạn tinh vi, đâu dễ bắt. Lại có ý kiến cho rằng có khi bắt quả tang rồi nhưng nhờ “phép thuật” nên kẻ đánh bạc có khi biến thành người đi xem, hành vi đáng phải xử lý hình sự lại thành phạt hành chính... thành ra cờ bạc vẫn có đất sống. Sự thật như thế nào thì chỉ người trong cuộc là rõ nhất.

Luật của ta không thiếu, cũng không phải không nghiêm. Quan trọng là người thực thi pháp luật phải làm nghiêm, đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính, bằng không sẽ không thể mang đến bình an cho nhân dân.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao cờ bạc lộng hành?