Truy điệu sống ở chiến trường

30/04/2019 19:27

Trong chiến tranh đầy gian khổ và ác liệt, nhiều chiến sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ dẫu biết có thể chết. Cũng tại đây đã diễn ra nhiều lễ truy điệu sống tiễn đưa những người anh hùng.

Ông Cường thường kể cho con cháu về phút giây mình được truy điệu sống năm xưa

Mở đường máu

Trong ký ức của ông Nguyễn Đức Cường (73 tuổi, ở phường Ngọc Châu, TP Hải Dương), những hình ảnh thiêng liêng thấm đẫm sự hào hùng của buổi lễ truy điệu sống mà ông từng trải qua cách đây mấy chục năm giờ đây vẫn nguyên vẹn...

Năm 1965, ông Cường lên đường nhập ngũ. Năm 1969, ông làm nhiệm vụ vận tải tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 54,  Binh trạm 41, Bộ Tư lệnh 559. Năm 1969, đoàn xe của ông Cường phải làm nhiệm vụ mở đường máu. Đó là một đoạn của đường 9 (thuộc tỉnh Savannakhet, Lào) chỉ dài khoảng 2 km nhưng đầy bom mìn. Trong 3 tháng trời không một xe nào có thể đi qua đoạn đường này nên việc tiếp tế lương thực cho quân ta bị ngưng trệ. Ông Cường cùng một số đồng đội khác sẵn sàng hy sinh để nối lại tuyến vận tải huyết mạch đã bị cắt đứt. Khi trời sẩm tối, đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống cho ông Cường và đồng đội.

Ông Cường và 10 đồng chí gồm cả chỉ huy, lái xe và phụ xe xếp thành một hàng ngang cạnh 5 chiếc xe để làm lễ truy điệu sống. “Nghiêm!”, sau tiếng hô vang dõng dạc, đồng chí Chính trị viên phó Tiểu đoàn 54 tuyên bố trước hàng quân đây là hành động cảm tử. Lời điếu văn vang lên với nội dung vì miền Nam ruột thịt, vì nhiệm vụ tiếp tế cho đồng đội buộc phải mở con đường máu, sẵn sàng quyết tử... Không ai bảo ai, tất cả đều đặt tay lên ngực trái, nơi con tim thổn thức, nguyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nghe điếu văn của chính mình, ông Cường và những đồng đội khác đều xúc động nghẹn ngào, những cái bắt tay, ánh mắt nhìn nhau đầy khích lệ thay cho lời vĩnh biệt thấm đẫm ý chí chiến đấu quật cường, không hề nao núng.

Ông Cường bảo giây phút ấy là một trong những khoảnh khắc mà ông ghi nhớ suốt cuộc đời. Khi đó, hình ảnh gia đình, bố mẹ, người thân, quê hương thân thuộc cứ thế hiện lên, ùa về rõ mồn một trong tâm trí ông. Đứng giữa lằn ranh sống chết, những hình ảnh ấy trở thành động lực thôi thúc ông quyết chí chiến đấu, phía bên kia con đường là nhiều anh em đồng đội đang chờ đợi. 

Sau lễ truy điệu sống, ông dũng cảm chở khoảng 5,5 tấn gạo trong khi thông thường xe chỉ chở khoảng 4,5 tấn. Xe của ông băng lên, rồi đi qua con đường la liệt bom. Trong khoảnh khắc ấy, ông Cường thấy mặt đất rung chuyển bởi bom mìn. Nhiều quả bom đã phát nổ nhưng không có quả nào trúng xe của ông. Khi đã đi qua 2 km cung đường tử thần, ông được chào đón trong vòng tay vui mừng khôn xiết của những người lính công binh. Thế nhưng, không may mắn như ông Cường, 3 đồng đội của ông đã hy sinh. Con đường huyết mạch đã thông suốt, lương thực được chi viện cho bộ đội ta.

Thiêng liêng

Ông Nguyễn Văn Thanh (63 tuổi, ở thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) từng tham dự lễ truy điệu sống một số đồng đội trong đơn vị. Ông tham gia chiến đấu tại đơn vị đặc công hoạt động bí mật trên đất bạn Lào. Sau khi nhận chỉ thị của Bộ Tư lệnh binh chủng đặc công, đơn vị của ông Thanh cử các đồng chí: Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương và Vũ Công Đài thành lập tổ điều tra, nghiên cứu mục tiêu, đồng thời làm nhiệm vụ tập kích vào sân bay Utapao (ta gọi với biệt danh là sân bay T90).

Đây là một căn cứ không quân chiến lược của Mỹ trên đất Thái Lan, nằm trên một địa hình lòng chảo, sát vịnh Thái Lan. Sân bay T90 được sử dụng trong chiến lược quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, trước hết để đánh phá Việt Nam và Lào. Qua nhiều tháng trinh sát cả ngày lẫn đêm, tổ điều tra đã nắm được quy luật, thủ đoạn bố phòng của địch và từng khu vực mục tiêu trong sân bay. Giữa tháng 12.1971, tổ kiểm tra mục tiêu lần cuối và hoàn chỉnh phương án chiến đấu. Công tác bảo đảm vật chất, vũ khí được chuẩn bị từ sớm, ém giấu tại một địa điểm ở gần sân bay. Trước đêm tập kích, một ngày đầu tháng 1.1972, đơn vị tổ chức truy điệu sống cho 3 đồng chí thực hiện nhiệm vụ.

Chiến tranh thiếu thốn, lại đang chiến đấu trong vòng bí mật nơi nước bạn nên lễ truy điệu sống của đơn vị ông Thanh không có cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Những đồng đội của ông được nghe điếu văn của chính mình, đón nhận sự hy sinh một cách bình thản. Điếu văn khi ấy không có sự xót xa, tiếc thương với người ra đi mà là những lời biểu dương tinh thần quyết tử, khí thế sục sôi giành lại độc lập, hòa bình. Một vài đồng chí còn gửi chút lương khô cho đồng đội lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu. Bởi họ biết vì sự nghiệt ngã của cuộc chiến, rất có thể đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy đồng đội...

Chứng kiến lễ truy điệu sống, ông Thanh cũng như những người khác không hoang mang hay lo sợ, ngược lại, chính sự thiêng liêng, tình đồng chí, đồng đội bền chặt đã bồi đắp lý tưởng cách mạng, trở thành động lực để họ phấn đấu noi theo những đồng đội, những người anh đi trước. Sau trận đánh cam go của 3 đồng chí được cử đi, ta đã phá hỏng 8 máy bay B52 của Mỹ. Đồng chí Vũ Công Đài hy sinh.

Sau lễ truy điệu sống đầy thiêng liêng, có người mãi mãi ra đi, có người may mắn trở về. Họ là những con người chiến đấu quả cảm, không màng sống chết, sẵn sàng cống hiến máu xương để góp phần giành hòa bình, độc lập cho dân tộc.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truy điệu sống ở chiến trường