Trị bệnh thiếu cụ thể

29/05/2018 15:00

Sự thiếu cụ thể trong công tác cán bộ như một chứng bệnh khó chữa.

Mặc dù các triệu chứng, nguyên nhân, hậu quả của căn bệnh dễ nhìn thấy, song vì nhiều nguyên nhân mà việc khắc phục chưa tốt.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW) nhắc đến nhiều triệu chứng của bệnh thiếu cụ thể. Đó là việc đánh giá cán bộ chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung nêu trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ còn chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa. Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ… 

Ở Hải Dương, kết quả cuộc giám sát của Tỉnh uỷ về việc lãnh đạo, thực hiện công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử cũng đã chỉ ra nhiều biểu hiện của bệnh thiếu cụ thể. Các Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện chưa có văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương và của tỉnh về tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý để làm cơ sở đánh giá, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ở một số địa phương còn có nội dung chưa cụ thể...

Bệnh thiếu cụ thể là kẽ hở để các nhóm lợi ích khai thác, trục lợi. Do thiếu cụ thể nên những cán bộ thiếu tài, kém đức dễ chạy chức, chạy quyền. Những cán bộ có tài, có đức nhưng không biết luồn cúi, chạy chọt không được trọng dụng. Đây cũng là sơ hở để phát sinh tham nhũng và dẫn đến những hành động chủ quan, tùy tiện trong công tác cán bộ.

Căn nguyên của bệnh thiếu cụ thể do đâu? Về khách quan, một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ còn đang xây dựng, hoàn thiện nên chưa bao quát hết. Về chủ quan, có những tập thể, cá nhân lợi dụng sơ hở, cố tình không (hoặc chậm) cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để phục vụ mưu đồ, lợi ích bất chính. 

Bệnh thiếu cụ thể như bức tường thành ngăn trở việc nâng cao hiệu quả công tác cán bộ. Bức tường thành này phải bị xóa bỏ để những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất sẽ bị đào thải, nhường chỗ cho những người có năng lực quản lý, lãnh đạo, giỏi chuyên môn, có đạo đức, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW vạch ra một số nhiệm vụ, giải pháp để trị bệnh thiếu cụ thể trong công tác cán bộ thời gian tới. Theo đó, việc đánh giá cán bộ sẽ bằng tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Sẽ quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ… Hy vọng những chủ trương ấy sẽ sớm được các cấp, các ngành cụ thể hóa và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. 

MINH ANH

(0) Bình luận
Trị bệnh thiếu cụ thể