Tiêu cực thi cử không có nghĩa giáo dục xấu hết

26/07/2018 11:32

Để đánh giá một nền giáo dục thì phải nhìn nhận cả quá trình, chứ không thể phán xét qua vài hiện tượng, rồi quy chụp như những kẻ cơ hội chính trị, phản động đã đăng tải trên internet.

Những ngày gần đây, dư luận cả nước đang xôn xao về những gian lận nghiêm trọng trong việc chấm thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang. Việc thanh tra, kiểm tra tương tự đang được triển khai tại một số tỉnh khác như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bến Tre... Hậu quả của sự việc này để lại cho xã hội rất nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở phạm vi sai lệch kết quả của một kỳ thi.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, các phần tử cơ hội chính trị, phản động đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội để đưa tin thiếu chính xác, thậm chí mượn sự việc này để xuyên tạc những thành tựu giáo dục mà Việt Nam đã đạt được từ khi có Đảng lãnh đạo. Chúng rêu rao rằng “giáo dục Việt Nam đang bên bờ vực”, “một nền giáo dục đã thối nát”, “hết thuốc chữa”, coi ngành giáo dục là “ngành ăn mày xã hội”. Những luận điệu trong các bài viết mà những kẻ phản động đăng tải chẳng qua chỉ là sự xuyên tạc, đánh đồng hiện tượng với bản chất nhằm phủ nhận sạch trơn thành tựu phát triển giáo dục của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, tiến tới đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Dù sự việc ở Hà Giang có sai phạm nghiêm trọng nhưng chỉ là một khâu trong đánh giá năng lực học tập của người học. Có thể tầm quan trọng của kỳ thi này rất lớn, dấu mốc quan trọng đối với tương lai, sự nghiệp của mỗi học sinh. Nhưng để đánh giá một nền giáo dục thì phải nhìn nhận cả quá trình, chứ không thể phán xét qua vài hiện tượng, rồi quy chụp như những kẻ cơ hội chính trị, phản động đã đăng tải trên internet thời gian qua.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Nhu cầu học tập của người dân được đáp ứng tốt hơn; đạt được những kết quả quan trọng trong các mục tiêu chiến lược về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Chính sách xã hội về giáo dục đã được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Chất lượng giáo dục đã có chuyển biến tích cực; điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục ngày càng được tăng cường. Có được kết quả đó, trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, của mỗi gia đình và toàn dân; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù ngành giáo dục và đào tạo còn có những hạn chế và đang gặp phải nhiều khó khăn, thử thách nhưng không vì thế mà chúng ta bi quan, chùn bước, mất niềm tin. Sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, với quan điểm xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, đồng thời có những chấn chỉnh kịp thời, tạo sự công bằng, khách quan cho các thí sinh. Chúng ta cần tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nhất định Việt Nam sẽ vươn đến tầm cao phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở rộng hội nhập quốc tế như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra.

Trước những thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nền giáo dục Việt Nam, hơn lúc nào hết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh, phản bác lại các thông tin, quan điểm sai trái; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Thông qua sinh hoạt Đảng cần chủ động cung cấp đầy đủ những thông tin, giải tỏa dư luận xã hội trước những luồng thông tin trái chiều bịa đặt trên mạng xã hội.

Tăng cường hoạt động của lực lượng đấu tranh chuyên sâu, phản bác lại các quan điểm sai trái, phản động; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Các cơ quan liên quan cần siết chặt công tác quản lý việc đăng tải các thông tin trên các trang mạng xã hội; kịp thời ngăn chặn những hành vi phát tán các thông tin, hình ảnh có nội dung phản cảm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng để tung tin thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo, cẩn trọng khi tiếp nhận những thông tin trái chiều, tránh những ảnh hưởng tiêu cực, độc hại từ những luồng thông tin trên. Khi tiếp nhận thông tin cần chọn lọc kỹ lưỡng, tuyệt đối không tin, không bàn luận, không chia sẻ các thông tin xấu, độc, bịa đặt.

NGUYỄN THANH

(0) Bình luận
Tiêu cực thi cử không có nghĩa giáo dục xấu hết