Tiêu chuẩn hay rào cản?

24/05/2018 08:26

Về thực chất và lâu dài, ngành giáo dục và đào tạo cần có những chiến lược xây dựng đội ngũ dài hơi, có tính dự báo chứ không theo kiểu "ăn bữa nay, lo bữa mai".

Năm nay, để giải quyết bài toán thừa giáo viên nhiều năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành này so với năm trước (tổng chỉ tiêu năm nay là 35.590). Tuy giảm chỉ tiêu tuyển sinh song Bộ lại đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho ngành đào tạo giáo viên cao hơn những năm trước. Cụ thể, nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với xét tuyển vào đại học và loại khá đối với cao đẳng, trung cấp.

Nếu chỉ nhìn vào đó, có thể thấy đây là tín hiệu đáng mừng cho việc nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, đồng nghĩa với chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, việc tuyển sinh năm nay của ngành sư phạm vẫn còn những mâu thuẫn. Trong khi theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng, nhiều ý kiến trong ngành còn cho rằng nên nâng chuẩn trình độ của cả giáo viên mầm non lên cao đẳng thì kỳ tuyển sinh năm nay Bộ này vẫn giao 5.000 chỉ tiêu cho các trường trung cấp sư phạm.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng chỉ tiêu trên vẫn thấp so với nhu cầu thực tế tại các địa phương hiện nay. Nhiều nơi rất thiếu giáo viên mầm non nên đều mong muốn đào tạo nhanh để sử dụng ngay. Như vậy, việc đào tạo giáo viên vẫn mang tính “ăn xổi” chứ chưa tính toán đến lâu dài xem có phù hợp với xu hướng thay đổi tiêu chuẩn của ngành hay không. Nếu bây giờ các trường đào tạo trung cấp sư phạm để đáp ứng nhanh nhu cầu trước mắt, rồi sau đó chuẩn trình độ đào tạo giáo viên được nâng lên cao đẳng thì số lượng giáo viên này sẽ ra sao? Sau đó sẽ tiếp tục là những cuộc chạy đua bồi dưỡng kiến thức, tìm cách để nâng trình độ từ trung cấp lên cao đẳng, tốn kém thời gian, chi phí và sức lực của rất nhiều người. Khi đó, tiêu chuẩn của ngành không còn là động lực mà lại là rào cản cho đội ngũ giáo viên.

Hiện nay còn tồn tại một nghịch lý là ngành giáo dục và đào tạo muốn tiếp cận với chuẩn chung của khu vực và quốc tế nhưng lại đặt ra những tiêu chuẩn cho riêng mình mà chưa có tiêu chí xác định tương đương. Vừa qua, giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) được Hội đồng quản trị của trường đề xuất công nhận vị trí hiệu trưởng với sự tín nhiệm cao. Trước khi về nước làm việc, ông Thành tham gia giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học Khoa Hóa tại Trường Đại học Utah (Mỹ). Nhưng theo quy trình công nhận hiệu trưởng của Luật Giáo dục đại học, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn do hiện nay chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng/khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam. Vì thế, ông Thành đành phải từ bỏ mong muốn đóng góp cho giáo dục nước nhà mà quay lại Mỹ làm việc. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn cho các chức danh cũng trở thành rào cản cho việc thu hút nhân tài vì thiếu sự định lượng, quy đổi cần thiết.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục về thực chất và lâu dài, ngành giáo dục và đào tạo cần có những chiến lược xây dựng đội ngũ dài hơi, có tính dự báo chứ không theo kiểu "ăn bữa nay, lo bữa mai". Đồng thời cần xây dựng tiêu chuẩn cho các chức danh phù hợp tiêu chí chung của khu vực, quốc tế và có quy đổi tương đương.

SONG KHUÊ

(0) Bình luận
Tiêu chuẩn hay rào cản?