Thuê nhà báo, được không?

21/06/2018 18:08

Người làm báo chân chính không thể nhận tiền để bóp méo sự thật, càng không thể là công cụ để một số người sử dụng cho mục đích cá nhân.

Cách đây vài năm, khi đi cơ sở, tôi gặp một phụ nữ được mệnh danh là "chuyên gia đi kiện" ở Cẩm Giàng. Nội dung chị khiếu kiện đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng chị nhất định không nghe. Chị phấn khởi "khoe": "Vụ này chúng tôi chắc thắng thôi vì ngoài thuê luật sư tư vấn, chúng tôi còn thuê cả mấy nhà báo viết bài về vấn đề của mình nữa...".

Tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện của chị, chưa biết đúng sai thế nào nhưng việc "thuê nhà báo viết bài" quả thật rất khó chấp nhận với tôi.

Nhà báo không giống như luật sư. Người làm báo đi tìm sự thật, phản ánh khách quan sự thật mà mình biết, luôn bảo vệ lẽ phải và đứng về chính nghĩa một cách không vụ lợi, dù người trong cuộc có yêu cầu hay không. Người làm báo chân chính không thể nhận tiền để bóp méo sự thật, càng không thể là công cụ để một số người sử dụng cho mục đích cá nhân. Thế nhưng, như chị phụ nữ kia nói, vẫn còn những nhà báo sẵn sàng nhận "viết thuê" với động cơ không trong sáng. Chẳng khó để nhận ra những người làm báo như thế bởi những bài viết phiến diện, thiếu kiểm chứng, thậm chí cố tình đưa thông tin sai sự thật. Vẫn còn những nhà báo "đếm tầng", "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" và không ít người trong số đó từng vướng vòng lao lý vì lợi dụng nghề nghiệp để lừa đảo, tống tiền doanh nghiệp.

Cố nhà báo Hữu Thọ từng nói về phẩm chất cần có với người làm báo là "mắt sáng, lòng trong, bút sắc". "Mắt sáng" để nhận diện thật rõ đâu là sự thật, đâu là vấn đề cần viết, cần tuyên truyền giữa trùng điệp thông tin thật, giả lẫn lộn. "Bút sắc" để viết cho hay, cho trúng, làm cho rõ bản chất vấn đề, tạo hiệu ứng tốt cho bài báo đối với dư luận xã hội. Nhưng chỉ có "mắt sáng" với "bút sắc" thôi chưa đủ, cần một tấm lòng trong sáng, thật sự "chí công vô tư". "Lòng trong" để không thiên vị khi thông tin tới bạn đọc. "Lòng trong" để phản ánh sự thật thật khách quan nhưng cũng phải nhân văn. Lẽ dĩ nhiên, với những người có tấm lòng trong sáng, sẽ không có chỗ cho chuyện "viết thuê", "nhận tiền" để thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật vì động cơ cá nhân. Cho dù thời nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, môi trường làm việc, yêu cầu công việc của người làm báo ngày càng cao, thì tinh thần "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" vẫn còn nguyên giá trị.

Làm gì để nhà báo giữ được cái tâm trong sáng khi hành nghề trong bối cảnh hiện nay là vấn đề đáng quan tâm. Hội Nhà báo Việt Nam đã ra 10 điều quy định về đạo đức người làm báo. Mỗi cơ quan báo chí cũng đều có quy định riêng về đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan mình. Người làm báo còn chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật khi tác nghiệp. Nhưng trên tất thảy, người làm báo chân chính phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Để có những tác phẩm "nhanh, đúng, trúng, hay", người cầm bút không thể bẻ cong ngòi bút của mình, càng không thể là người có thể "thuê được" để làm những việc trái với lương tâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuê nhà báo, được không?