Thấy gì qua việc giảm 9 đại biểu Quốc hội sau nửa nhiệm kỳ?

22/05/2018 08:00

Việc giảm đại biểu Quốc hội do những sai phạm là điều thực sự đau xót song cần thiết để làm trong sạch cơ quan quyền lực cao nhất nước.

Ngày 21.5, Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 5. Chỉ sau nửa nhiệm kỳ, số lượng đại biểu của kỳ họp này đã giảm đi 9 người, chỉ còn 487 so với 496 người trúng cử năm 2016. Có 2 người mất quyền đại biểu Quốc hội là ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh sau khi tòa phúc thẩm tuyên án cùng về tội cố ý làm trái tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Trong 3 đại biểu được cho thôi nhiệm vụ, 2 người là do bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi là bà Phan Thị Mỹ Thanh và ông Võ Kim Cự; 1 người là ông Ngô Đức Mạnh thôi nhiệm vụ để làm Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga. 2 đại biểu không được công nhận tư cách là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường; 2 đại biểu qua đời.

Có tới 5 người không còn là đại biểu do những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác, 1 người vi phạm nguyên tắc về quốc tịch là một con số đáng buồn. Điều này cho thấy có những nơi đầu vào đại biểu Quốc hội chưa được xem xét, thẩm tra thật sự chặt chẽ nên đã để lọt những người không xứng đáng vào cơ quan dân cử cao nhất này. Kể cả khi đại biểu Quốc hội vi phạm sau khi trở thành đại biểu thì cơ quan hiệp thương và giới thiệu ứng cử viên vẫn có trách nhiệm một phần bởi không theo dõi, giám sát tốt đại biểu đó trong suốt quá trình hoạt động. Trả lời báo chí trước kỳ họp lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận cần rút kinh nghiệm trong việc thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng các ứng cử viên.

Việc các đại biểu bị bãi nhiệm, không được công nhận tư cách cũng phản ánh sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật là “không có vùng cấm”. Việc giảm đại biểu Quốc hội do những sai phạm là điều thực sự đau xót song cần thiết để làm trong sạch cơ quan quyền lực cao nhất nước. Đó cũng là bài học, sự răn đe đối với những cá nhân đã, đang có nhiều sai phạm song vẫn muốn ứng cử vào Quốc hội.

Giống như các khóa trước, các đại biểu bị bãi nhiệm khóa này đều do Quốc hội thông qua chứ chưa có đại biểu nào bị cử tri bãi nhiệm, dù theo khoản 1, điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”. Vấn đề này đã được đặt ra từ những kỳ họp trước đây nhưng chưa được giải quyết nên quyền bãi nhiệm của cử tri chưa được thực thi. Để khắc phục được vấn đề này, cần những thước đo rõ ràng về việc “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”, xác định cụ thể những trường hợp nào thì đại biểu Quốc hội bị Quốc hội bãi nhiệm, trường hợp nào do cử tri bãi nhiệm.

Trước đây, có ý kiến cho rằng số lượng đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm trong mỗi khóa thường rất ít nên không cần thiết xây dựng nghị quyết riêng về vấn đề này. Nhưng tình trạng này trong Quốc hội khóa XIV cho thấy việc xây dựng, ban hành Nghị quyết về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là rất cần thiết và cấp bách để bảo đảm quyền dân chủ của cử tri.

LAM ANH

(0) Bình luận
Thấy gì qua việc giảm 9 đại biểu Quốc hội sau nửa nhiệm kỳ?