Tháo gỡ khó khăn trong luân chuyển cán bộ

25/07/2018 11:12

Quy định 98 ngày 7.10.2017 của Bộ Chính trị, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác luân chuyển cán bộ hiện nay...

  Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tổ chức xây dựng Đảng

Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ vừa được ban hành đã cụ thể hóa nhiều nội dung trong Quy định 98 ngày 7.10.2017 của Bộ Chính trị, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác luân chuyển cán bộ hiện nay. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng  xung quanh quy định mới này.

- Thưa đồng chí, trong quy định về luân chuyển cán bộ của tỉnh, điểm nào được coi là đột phá?

- Kể từ khi có Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 25.1.2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới chỉ ban hành kế hoạch thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 04-QĐi/TU ngày 5.7.2018 về luân chuyển cán bộ, xác định đây là điểm mới đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh. Quy định này đã cụ thể hóa nội dung Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7.10.2017 của Bộ Chính trị và có một số nội dung thể hiện quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có tính đột phá. Đó là:

Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đưa đi luân chuyển cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển. Cán bộ trẻ đi luân chuyển chủ yếu được bố trí chức vụ tương đương, số ít có năng lực nổi trội mới được xem xét bố trí chức vụ cao hơn. Xoá bỏ tâm lý cán bộ cứ đi luân chuyển là lên chức hoặc chờ bố trí chức vụ cao hơn.

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Quy định đã nêu rõ phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển. Ngoài đối tượng luân chuyển là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch, quy định chỉ rõ các chức danh thuộc đối tượng được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương; cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, quy định xác định rõ chức danh bố trí luân chuyển: Cán bộ từ cấp tỉnh luân chuyển về cấp huyện thì những chức danh nào ở cấp tỉnh có thể được xem xét bố trí chức danh tương ứng ở cấp huyện; ngược lại, cán bộ luân chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh, thì những chức danh nào ở cấp huyện có thể được xem xét bố trí chức danh tương ứng ở cấp tỉnh..

Việc xem xét bố trí, phân công cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ

- Quy định mới chỉ đề cập đến việc cán bộ đi luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hoặc không hoàn thành nhiệm vụ và bị kỷ luật. Trong trường hợp cán bộ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ thì việc bố trí sẽ như thế nào, thưa đồng chí?

- Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: Cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và thời gian luân chuyển theo quy định, được xem xét, phân công, bố trí theo chức danh quy hoạch hoặc chức vụ tương đương chức danh quy hoạch hoặc chức vụ tương đương trước khi đi luân chuyển. Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật thì xem xét, bố trí chức vụ thấp hơn chức danh đảm nhiệm trước khi luân chuyển.

 Còn đối với trường hợp cán bộ chỉ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian luân chuyển thì đương nhiên khi xem xét bố trí công tác cũng chỉ được bố trí ở vị trí công tác phù hợp tương đương với vị trí công tác trước khi đi luân chuyển. Bởi cán bộ được xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn, trước hết phải hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ đang đảm nhiệm, thậm chí cán bộ luân chuyển là nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt các địa phương, cơ quan, đơn vị còn phải có tiêu chuẩn cao hơn nữa.

- Quy định nêu rõ việc luân chuyển chủ yếu là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, đồng thời đề cập đến khái niệm cán bộ có năng lực nổi trội. Xin hỏi đồng chí cán bộ như thế nào thì được coi là trẻ và có năng lực nổi trội?

- Quy định luân chuyển cán bộ của tỉnh quy định điều kiện về độ tuổi đối với cán bộ luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ). Đồng thời quy định đối tượng cán bộ luân chuyển chủ yếu là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực nổi trội.

Cán bộ trẻ ở đây được hiểu là cán bộ sau khi hết thời gian luân chuyển, thì cũng phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm). Theo quy định thời gian luân chuyển của cán bộ ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh; theo đó cán bộ luân chuyển phải còn thời gian công tác ít nhất 13 năm tính từ thời điểm đi luân chuyển. Riêng các trường hợp được luân chuyển, tạo nguồn cán bộ trẻ để cơ cấu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải là các đồng chí sinh năm 1980 trở lại đây đối với nguồn nhân sự cấp ủy tỉnh, sinh năm 1985 trở lại đây đối với nguồn nhân sự cấp ủy cấp huyện. Việc tạo nguồn cán bộ trẻ để cơ cấu tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đang là vấn đề khó, sắp tới Ban Tổ chức Tỉnh ủy phải có kế hoạch cụ thể tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo về nội dung này.

Còn về năng lực, cán bộ có năng lực nổi trội phải là người có tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; tích cực nghiên cứu thực tiễn và có năng lực tổng hợp, phân tích để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý; địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách và cá nhân luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

- Một vướng mắc hiện nay là cán bộ sau luân chuyển có thể phải trải qua sát hạch lại vào công chức mà mình đã được bổ nhiệm trước đó. Quy định mới của tỉnh có tháo gỡ được vướng mắc này không, thưa đồng chí?

- Đối với cán bộ, công chức công tác ở cấp huyện được luân chuyển về làm cán bộ cấp xã, sau khi luân chuyển được bố trí trở lại công tác ở cấp huyện phải thực hiện quy trình kiểm tra, sát hạch xét chuyển cán bộ cấp xã thành công chức theo quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30.12.2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15.3.2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Đây là vấn đề bất cập, Bộ Nội vụ đã tổng hợp kiến nghị của các địa phương để xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này. Hiện nay chưa có quy định mới của Trung ương, việc thực hiện quy trình bố trí cán bộ luân chuyển về cấp xã trở lại công tác ở cấp huyện vẫn phải thực hiện theo quy định. Vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trao đổi với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện quy trình với thời gian nhanh nhất để xét chuyển công chức đối với trường hợp cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển về cấp xã.

 - Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THANH MAI (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ khó khăn trong luân chuyển cán bộ