Tết Trung thu là của trẻ em

23/09/2018 07:40

Tết Trung thu gần kề, nhiều người lớn đã dựa vào đó để toan tính vụ lợi, làm cho nét văn hoá cổ truyền đậm đà bản sắc dân gian không còn được vẹn nguyên giá trị.

Một số người biến Tết Trung thu trở thành “lễ hội quà biếu” với rất nhiều mục đích cầu thân, ngoại giao, đền đáp mờ ảo. Những thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng mỗi năm cũng cho ra đời nhiều dòng bánh cao cấp với giá hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng. Những hộp bánh ngày càng được làm sang trọng, nhân bánh cũng sử dụng những nguyên liệu đắt đỏ như yến sào, nhân sâm, bào ngư... Hiếm có mâm cỗ Trung thu nào lại có những loại bánh đắt đỏ ấy bởi chúng chỉ là lễ vật để người lớn mang đi biếu tặng.

Sau mỗi dịp Trung thu vẫn có tình trạng những chiếc bánh Trung thu được một số nhà quẳng vào thùng rác vì để lâu ôi thiu. Trong khi đó với rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nơi biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trẻ em lang thang cơ nhỡ, bệnh nhi đang điều trị tại các cơ sở y tế hay con của những người công nhân có cuộc sống khó khăn thì những chiếc bánh Trung thu bình dân, chiếc đèn lồng xanh đỏ... luôn là điều mong chờ.  

Ý nghĩa của đêm hội Trung thu cho các em cũng mất dần đi. Ánh trăng đêm rằm lung linh, huyền ảo của chị Hằng đã nhường chỗ cho ánh sáng của đèn điện. Những chiếc đèn Trung thu hình con cá, con gà, ông sao… đã được thay bằng hình siêu nhân, mặt nạ nhựa, những đồ chơi chạy bằng pin đủ mẫu mã với tiếng nhạc vui nhộn phát ra. Nhiều trẻ em không biết trò chơi rước đèn, sự tích “chú Cuội ngồi gốc cây đa” mà bị cuốn hút vào những trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh. Nhiều gia đình không còn mâm cỗ Trung thu đoàn viên với hoa quả, bánh trái, đèn ông sao, thay vào đó là ra nhà hàng liên hoan.

Nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình quên mất việc giáo dục ý nghĩa của Tết Trung thu cho con em mình. Nhiều phụ huynh chiều chuộng con, chúng thích đồ chơi gì là mua thứ ấy, không cần biết ngay cả đồ chơi cho trẻ dịp Trung thu có ý nghĩa riêng gì. Những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị, các thôn, khu dân cư đã quan tâm tổ chức "Đêm hội trăng rằm". Nhưng không ít nơi, đêm hội lại trở thành cuộc vui của bố mẹ với cỗ bàn, rượu bia linh đình. Tổ chức đêm hội nhưng họ lại quên mất nói cho con em mình nghe về giá trị của Tết Trung thu.

Để Trung thu thực sự là ngày hội của trẻ em, mỗi gia đình cần tạo không gian trong trẻo, lành mạnh, không khí cộng đồng vui vẻ, thân tình. Các khu dân cư khi tổ chức Tết Trung thu cần chú trọng các hoạt động phù hợp với trẻ như tổ chức các trò chơi dân gian, thi làm đồ chơi truyền thống, biểu dương những trẻ học giỏi, ngoan ngoãn... Các tổ chức, cá nhân có điều kiện nên quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng vừa gặp thiên tai... Sự quan tâm đó phần nào làm cho không khí đón Tết Trung thu của các em thêm vui tươi, ấm áp và không để em nhỏ nào bị bỏ quên trong Tết Trung thu. Hơn hết, mỗi gia đình cần có ý thức gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền trong “Ngày hội trăng rằm” để trăng Trung thu tròn mãi trong ký ức tuổi thơ.

PHÙNG VĂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết Trung thu là của trẻ em