Quyết tâm cao áp dụng thí điểm mô hình tổ chức

19/07/2018 08:27

Các địa phương được chọn làm thí điểm cần có đề án sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ theo lộ trình, bước đi thích hợp, không vội vàng nhưng cũng không đủng đỉnh "chờ trên".

Thực hiện các Đề án 01, 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), từ tháng 7.2018 tỉnh ta áp dụng thí điểm ở một số huyện các mô hình: Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra huyện; hợp nhất văn phòng cấp ủy huyện với Văn phòng HĐND, UBND huyện; cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội. Đây là việc làm thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Việc áp dụng thí điểm các mô hình trên có những thuận lợi như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... đồng tình ủng hộ. Khi tổ chức thực hiện đã có những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Trước hết về nhân sự, một số trưởng phòng, trưởng ban khi sắp xếp bị thừa ra, nếu không chấp nhận xuống vị trí phó. Việc bố trí các chức danh từ vị trí này sang vị trí khác cũng cần xem xét dư luận xã hội, với tinh thần công tâm, đạo lý. Những cán bộ được bố trí "gánh" thêm nhiệm vụ cũng có những khó khăn không nhỏ do trình độ quản lý, năng lực tổ chức thực hiện, trình độ chuyên môn được đào tạo. Thực tiễn cho thấy không phải cứ cấp ủy là việc gì cũng làm được. Trước chỉ đảm nhận chức trưởng ban nay kiêm thêm trưởng phòng. Trong khi đó, chức năng của ban trong cấp ủy chủ yếu là tham mưu, đề xuất để cấp ủy ra nghị quyết. Nay chức năng của phòng vừa tham mưu giúp UBND huyện, vừa là người tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, công việc cụ thể. Việc chọn cử những cán bộ cấp trưởng ở các mô hình nêu trên phải được rà soát, đánh giá đúng năng lực, sở trường, phẩm chất đạo đức mới bảo đảm kết quả cao khi thực thi các công vụ. Đương nhiên là không quá cầu toàn việc bố trí cán bộ lãnh đạo các ban, phòng, vì đây là cả quá trình kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ trong nhiệm kỳ này, chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới 2020-2025. Trước mắt, thực hiện các mô hình trên chủ yếu để giảm các đầu mối có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, tạo nên bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp. Nhưng ban và phòng ở hai cơ quan, hai nơi làm việc khác nhau, việc chỉ đạo, điều hành cũng có những khó khăn. Cho nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế với tầm nhìn xa hơn, tránh những bất cập trong khi hệ thống chính trị đang được hoàn thiện.

Đó là về tổ chức, còn cán bộ cũng phải được tinh gọn bảo đảm đúng người, đúng việc. Các cấp phó phụ trách các phần việc chuyên môn để giúp cấp trưởng. Song cấp trưởng cũng phải là người có trình độ, năng lực, phẩm chất để bao quát, quán xuyến toàn bộ các hoạt động của ban, phòng và phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.

Từ thực tiễn có nhiều khó khăn, vướng mắc này, các địa phương được chọn làm thí điểm cần có đề án sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ theo lộ trình, bước đi thích hợp, không vội vàng nhưng cũng không đủng đỉnh "chờ trên" mà phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của huyện, thị xã, thành phố mình. Làm tốt công tác này sẽ có tác dụng thúc đẩy tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hoàn thành kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tin rằng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc hợp nhất các chức danh ở một số địa phương đợt này sẽ đạt kết quả tốt, mở ra bước phát triển mới về kiện toàn tổ chức, gọn nhẹ đầu mối, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra.

VŨ HOÀNG 

(0) Bình luận
Quyết tâm cao áp dụng thí điểm mô hình tổ chức