Quốc hội đã cầu thị

13/06/2018 09:01

Quyết định lùi việc thông qua Luật về đặc khu thể hiện sự cầu thị của Quốc hội, của Chính phủ.

Trong phiên họp sáng 11.6, Quốc hội đã biểu quyết lùi việc thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Quyết định này được đưa ra sau khi Luật Đặc khu thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri... Điểm gây tranh cãi nhất là thời gian cho thuê đất có thể lên tới 99 năm cũng đã được điều chỉnh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.

Quyết định này của Quốc hội rất kịp thời, thể hiện sự cầu thị của Quốc hội, của Chính phủ. Rõ ràng là những ý kiến, mong muốn của đông đảo người dân đã được lắng nghe, tiếp thu.

Thực tế trong mọi việc, trước mọi sự điều chỉnh chủ trương, chính sách, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đều tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân thông qua rất nhiều kênh. Như đợt lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2.1 đến hết ngày 31.3.2013. Người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Rất nhiều quy định khi đưa ra lấy ý kiến và gây tranh cãi trong dư luận cũng đã bị “tuýt còi”, “chết yểu” trước khi ra đời như quy định ngực lép không được điều khiển ô tô, xe máy của Bộ Y tế. Thậm chí có những quy định đã được ban hành nhưng khi đi vào thực tiễn vấp phải sự phản đối của dư luận nên đã phải dừng lại. Đó là quy định cấm ghi hình cảnh sát giao thông; phạt ô tô cá nhân không có bình cứu hỏa…

Có thể khẳng định việc tiếp thu ý kiến nhân dân của các cơ quan hành pháp, lập pháp thể hiện tinh thần dân chủ rộng rãi, tôn trọng dân quyền.

Có rất nhiều cách, nhiều kênh để nhân dân thể hiện chính kiến của mình. Vì thế, chúng ta phải phát huy quyền dân chủ, tận dụng tất cả các kênh đó để chuyển tải mong muốn, nguyện vọng, chính kiến một cách chính đáng.

Rất tiếc mấy ngày qua, một bộ phận nhân dân ở một số tỉnh phía Nam đã quên mất những quyền cơ bản đó. Một số người đã bị những phần tử xấu kích động, lôi kéo tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đập phá trụ sở của các cơ quan công quyền, đánh cả người thi hành công vụ… Đó là những hành vi mù quáng, không thể chấp nhận được. Họ tự biện minh cho hành vi của mình là cách để thể hiện lòng yêu nước. Nhưng khi tình yêu đất nước đặt không đúng chỗ thì hậu quả thật khó lường. Nhìn trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận bị đốt phá, hàng chục chiếc xe máy của những cán bộ đang làm việc tại đây bị hủy hoại… mà thấy xót xa. Những người tự nhận là yêu nước kia đã đẩy sự việc đi quá xa. UBND tỉnh Bình Thuận đâu có lỗi gì trong vụ việc này, sao lại tới đây mà đốt phá? Những cán bộ, chiến sĩ công an ở đó có tội gì mà họ cho mình cái quyền xâm phạm thân thể, đánh đập những người đang thi hành công vụ?

Cử tri hãy cứ tin tưởng và thể hiện chính kiến của mình, tích cực tham gia xây dựng đất nước nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách được pháp luật cho phép. Vụ việc lần này cũng đặt ra cho những người xây dựng, hoạch định chính sách một bài học, đòi hỏi họ thêm trách nhiệm, sự thấu đáo mỗi khi nghiên cứu, xây dựng, đưa ra các chủ trương, chính sách…

KIM THANH

(0) Bình luận
Quốc hội đã cầu thị