Phòng chống dịch dại trên chó, mèo

14/06/2018 17:09

Hiện nay đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng nên nguy cơ bùng phát dịch dại trên đàn chó rất cao.

Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có 16 trường hợp ở 12 tỉnh, thành phố tử vong do bệnh dại. Tại Hải Dương, năm 2017 cũng có 1 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Nguyên nhân tử vong đều do người bệnh chủ quan, không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn, đến khi phát bệnh người nhà mới đưa họ đến cơ sở y tế thì đã muộn. Một nguyên nhân khác là do người bệnh tin tưởng vào phán đoán của thầy lang ở địa phương.

Toàn tỉnh hiện có hơn 155.000 con chó. Đàn chó đông trong khi công tác quản lý vật nuôi ở tỉnh còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó thường không cao. Nguyên nhân do người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại. Việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, đặc biệt ở tuyến cơ sở, việc tiêm phòng gặp nhiều khó khăn vì địa bàn rộng, lực lượng mỏng. Việc xử lý vi phạm đối với hộ nuôi chó, mèo không chấp hành quy định tiêm phòng dại, nuôi chó thả rông chưa được chính quyền thực hiện nghiêm túc. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm còn phổ biến ở các nơi.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào hoặc liếm của động vật. Người bị chó dại cắn thường ủ bệnh từ 1-3 tháng. Bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được vì khi đã bị phát bệnh sẽ dẫn đến tử vong.

Để việc phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả cao, các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê chính xác hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư; lập sổ quản lý đàn chó, mèo và thường xuyên cập nhật bổ sung vào sổ quản lý khi có sự biến động. Công khai tại cộng đồng hoặc thông báo danh sách những hộ nuôi chó thả rông hoặc không chấp hành tiêm phòng vaccine dại theo quy định. Yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm túc việc khai báo, chấp hành việc nuôi, giữ chó trong khuôn viên gia đình. Các hộ nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ thì phải nhốt và báo ngay với thú y cơ sở để kịp thời xử lý nếu chó, mèo bị bệnh dại. Những người bị chó, mèo cắn cần đến các trung tâm y tế tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh dại càng sớm càng tốt; theo dõi chó, mèo nghi mắc bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không tin vào phương pháp chữa bệnh dại của thầy lang... khi không may bị chó, mèo cắn.                                       

KHÁNH HÒA(Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng chống dịch dại trên chó, mèo