Nguy cơ bị ngộ độc khi ăn cỗ

10/08/2018 09:33

7 tháng đầu năm nay, tại Hải Dương có 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể được ghi nhận, trong đó có 2 vụ tại đám hiếu, đám hỉ.

Một đám cưới ở thôn An Lại, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã khiến 94 người bị ngộ độc thực phẩm

Vụ thứ nhất xảy ra ngày 22.5 tại đám hiếu ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) làm 28 người phải nhập viện điều trị với các triệu chứng sốt, đau bụng, tiêu chảy, nôn... Nguyên nhân do ăn bánh dày mua ở cơ sở sản xuất của ông Hà Công Trọng (xã Hiệp Cát, Nam Sách). Kết quả xét nghiệm cho thấy bánh dày bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.

Vụ thứ hai xảy ra ngày 22.7 tại một đám cưới ở xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) khiến 94 người bị ngộ độc. Theo nhận định của đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, đây là vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn với nhiều bệnh nhân nhất tỉnh trong vòng 5năm gần đây. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của 8 trong tổng số 94bệnh nhân không phát hiện thấy yếu tố vi khuẩn (có thể do bệnh nhân đã dùng kháng sinh trong quá trình điều trị) nhưng vụ ngộ độc vẫn được nghi ngờ là do yếu tố vi sinh gây nên.

Từ 2 vụ ngộ độc nêu trên có thể thấy nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ mâm cỗ tại các đám hiếu, đám hỉ là rất lớn. Hiện nay, các gia đình tổ chức đám hiếu, đám hỉ thường tự nấu cỗ hoặc thuê dịch vụ nấu cỗ. Theo quy định của Bộ Y tế, đối với bếp ăn dành cho 30 suất trở lên phải tiến hành lưu mẫu thực phẩm nhưng cũng rất ít gia đình thực hiện. Điển hình như vụ ngộ độc tại đám cưới ở xã Dân Chủ, gia đình không lưu mẫu thức ăn nên gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân bị ngộ độc. Nhiều gia đình thường chỉ chú ý xây dựng thực đơn gồm những món gì chứ chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều gia đình tận dụng nơi góc vườn, khoảng đất trống để chế biến thức ăn. Sau khi chế biến, thức ăn để trên giá cỗ không được che đậy cẩn thận. Người chế biến cỗ thường không đeo tạp dề, găng tay, khẩu trang. Sau khi ăn uống, những mâm bát đũa được ngâm rửa trong thau, mủng nước váng mỡ rất mất vệ sinh và tiếp tục được dùng cho những bữa cỗ tiếp theo.

May mắn là những người bị ngộ độc thực phẩm ở những đám hiếu, đám hỉ trên sau khi được điều trị, sức khỏe không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các đám cỗ. 

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát; tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm đối với những người nấu cỗ thuê. Mỗi gia đình khi tổ chức đám hiếu, hỉ, cần quan tâm tới các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

HOÀNG QUÂN (Tứ Kỳ)

(0) Bình luận
Nguy cơ bị ngộ độc khi ăn cỗ