Người anh hùng trải qua hơn 200 trận đánh

07/10/2018 10:40

Tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, cố đại tá Vũ Đình Thước (sinh năm 1936, quê ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng) là tấm gương sáng về lòng dũng cảm.

Đại tá Vũ Đình Thước (bên trái), Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 chụp ảnh cùng Thiếu tướng Nguyễn Quốc Thước, Tư lệnh Quân đoàn 3 năm 1980

Trong lòng bạn bè, đồng đội vẫn còn khắc ghi những kỷ niệm về một người anh hùng đã kinh qua hơn 200 trận đánh này.

Gan dạ

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Cẩm Hoàng giàu truyền thống cách mạng nên ngay từ nhỏ chàng trai Vũ Đình Thước sớm được nuôi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng. Tháng 8.1948, khi mới 12 tuổi, ông tham gia du kích ở địa phương để chống thực dân Pháp. Gia đình có 7anh chị em, ông là con trai lớn nên phải cáng đáng nhiều công việc. Bởi vậy, khi nhắc về ông, những người cùng thời ấy đều cho biết ông là người cần cù, chịu khó và rất điềm đạm.

Đầu năm 1953, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện xung phong đi bộ đội khi chưa tròn 17 tuổi. Đơn vị đầu tiên của ông là Đại đội 59, Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57 thuộc Sư đoàn 304 đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa. Bắt đầu từ đây, ông tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường và tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), chiến dịch Plei Me (1965), Tết Mậu Thân (1968), Tây Nguyên (3.1975), Hồ Chí Minh (4.1975); tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Dù ở bất kỳ trận tuyến nào ông cũng luôn thể hiện là một người gan dạ, không sợ gian khổ và không chịu khuất phục trước sức mạnh, bom đạn của kẻ thù.

Cuốn hồi ký “Một thời trận mạc” của đại tá, nhà văn Lê Hải Triều (xuất bản năm 2015) đã dành hơn 200 trang viết về đại tá Vũ Đình Thước với những tình cảm trân trọng và sự cảm phục sâu sắc. Năm 1965, đế quốc Mỹ điều Sư đoàn “Kỵ binh không vận số 1” lên An Khê (Gia Lai). Sự tham chiến của Mỹ ở Tây Nguyên khiến chiến trường ở đây rất khốc liệt. Tuy nhiên, bộ đội ta không hề nao núng và luôn thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Chiến dịch Plei Me bắt đầu mở màn với những trận đánh dữ dội. Một trong những trận đánh do ông Vũ Đình Thước chỉ huy được các đồng đội nhắc đến nhiều nhất là trận tiêu diệt Tiểu đoàn 1 do trung tá Moore chỉ huy tại dãy núi Chư Prông vào ngày 15.11.1965. Khi ấy, trung úy Vũ Đình Thước đang là Đại đội trưởng Đại đội 3 với gần 100 chiến sĩ.      

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, trung úy Vũ Đình Thước chia đơn vị thành từng tốp nhỏ, cẩn thận, nhanh chóng băng qua địa hình khó khăn, hiểm trở gần khu vực phi pháo để tiếp cận quân địch. Cách khu vực quân địch vài chục mét, Đại đội trưởng Vũ Đình Thước cùng một chiến sĩ vác theo khẩu B40 bắn thẳng vào trung tâm đồn địch. Sau đó, ông ra lệnh bắn hàng loạt pháo cối 60 ly cấp tập về phía quân Mỹ. Đạn cối vừa dứt, Đại đội trưởng cùng đồng đội xông lên thọc sâu, đánh chiếm Sở chỉ huy Tiểu đoàn địch. Trận đánh diễn ra đến quá trưa 15.11.1965. Đại đội 3 đã góp công lớn tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 1, tiêu diệt hơn 200 tên lính Mỹ. Những tên lính còn lại vô cùng khiếp sợ và nhanh chóng đầu hàng. Năm 1993, Trung tướng Moore, người chỉ huy Tiểu đoàn 1 lúc bấy giờ có dịp trở lại Việt Nam. Cuộc hội ngộ với đại tá Vũ Đình Thước giữa chiến trường xưa khiến tướng Moore không khỏi xúc động và thừa nhận quân Mỹ đã chịu tổn thất nặng nề và chỉ có sự may mắn mới giúp ông thoát chết trong trận đánh này.

Những phần thưởng cao quý

Ngày 1.7.2018, xã Cẩm Hoàng tổ chức lễ vinh danh đại tá Vũ Đình Thước được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Không chỉ là một người chỉ huy gan dạ, đại tá Vũ Đình Thước còn thể hiện một tinh thần bất khuất, kiên cường. Trong cuốn “Một thời trận mạc”, bác sĩ Cao Độc Lập khi ấy đang công tác tại Ban ngoại 1, Tiểu đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 đã kể rất chi tiết về ca mổ không thể nào quên cho đại tá Vũ Đình Thước. Khi ấy là vào cuối tháng 12.1978, đại tá Vũ Đình Thước là Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trong quá trình chiến đấu, đại tá Vũ Đình Thước bị thương rất nặng ở bụng và được đưa về trạm phẫu thuật để mổ cấp cứu. Bác sĩ Lập mổ cho đại tá. Ông Lập nhớ lại khi ấy chỉ có một phương pháp gây mê tĩnh mạch. Trong trường hợp thương binh tỉnh táo, biết đau, kích thích huyết áp lên cao có thể gây sốc rất nguy hiểm. Mặc dù vậy, đại tá Vũ Đình Thước kiên cường nói: “Các cậu mổ cho mình đi, ai mổ cũng được, y sĩ mổ cũng được”. Sau khi cắt hơn 1 m ruột non, nối và khâu lại trong thời gian hơn 2 tiếng ca mổ mới kết thúc. Dù ca mổ diễn ra trong điều kiện khó khăn nhưng sức khỏe của đại tá Vũ Đình Thước đã nhanh chóng hồi phục, tỉnh táo trở lại.

Năm 1979, ông giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn3 cho đến khi nghỉ hưu. Ông mất năm 2010. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (nhất, nhì, ba)… Ngày 23.6.2018, Đảng bộ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Vũ Đình Thước. Ngày 1.7.2018, UBND xã Cẩm Hoàng tổ chức lễ vinh danh đại tá Vũ Đình Thước được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người anh hùng trải qua hơn 200 trận đánh