Ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan trước mùa thi

20/06/2018 09:02

Học sinh cần được gia đình, nhà trường giáo dục, định hướng để tránh xa các hoạt động mê tín dị đoan.

“Học tài, thi phận”, từ bao giờ quan niệm và tâm lý ấy đã khiến nhiều sĩ tử mù quáng tin vào những hoạt động mê tín dị đoan trước mỗi mùa thi. Có thể thấy nhiều nhất là từng nhóm bạn học rủ nhau đi xem bói để nhờ “thầy” đoán mình có đỗ đạt hay không. 

Vừa qua, lần đầu tiên tôi theo chân một người bạn đến một địa chỉ xem bói trong thành phố. Bước chân vào căn nhà hai tầng cũ kỹ ở sâu trong hẻm là chiếc bàn thờ bụi bặm, tối tăm, khói hương nghi ngút. Một phụ nữ ngồi lắc lư giữa tấm phản, trước mặt là vài ba cô học trò còn khoác trên mình tấm áo đồng phục khúm núm chắp tay lễ cầu. Họ đang nóng ruột chờ “thầy” lật những con bài dự liệu kết quả kỳ thi sắp tới. Tôi ngỡ ngàng hơn khi ngay trên tường có một bảng giá xem bói rất cụ thể: “Xem bói: Người lớn 50.000 đồng; học sinh cấp 3: 30.000 đồng; xem tử vi: 150.000 đồng…”. Tôi thoạt nghĩ chắc hẳn có nhiều học sinh đã đến đây mỗi mùa thi nên bảng giá kia mới ghi rõ đối tượng khách hàng là “học sinh cấp 3” như vậy. Qua lời người bạn và những người xung quanh tôi được biết cứ mỗi mùa thi đến gần, có rất nhiều nam sinh, nữ sinh rủ nhau đến đây xem quẻ, thậm chí có em còn bỏ tiền để xin “bùa chú may mắn”, làm lễ giải hạn kêu cầu… 

Đến đây tôi thực sự lo lắng bởi lẽ hoạt động mê tín dị đoan này vẫn tồn tại ở nhiều ngõ ngách, mọi người rỉ tai nhau tạo nên những phản ứng tâm lý tiêu cực cho học sinh, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần cũng như ý chí phấn đấu của các em. Chẳng hạn, nếu "thầy" phán cho quẻ tốt có em sẽ chủ quan, lơ là ôn tập, còn nếu "thầy" phán quẻ xấu, dẫn dắt xin bùa, dâng lễ… sẽ khiến nhiều em có tâm trạng bất an dẫn đến buông xuôi việc học, thậm chí làm lễ giải hạn, gây thiệt hại kinh tế.

Thực tế, áp lực từ việc học hành, thi cử, từ sự kỳ vọng của gia đình cộng thêm đặc điểm lứa tuổi dễ bị kích động, lôi kéo, các em chưa đủ nhận thức, bản lĩnh để sàng lọc những thông tin, lời nói mang tính mê tín dị đoan nên có tâm lý và hành vi chưa đúng đắn. Vì vậy, ngay từ đầu, học sinh cần được gia đình, nhà trường uốn nắn, giáo dục, định hướng về tư tưởng, tăng cường nhận thức về đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần để tránh xa các hoạt động mê tín dị đoan. Các em cần hiểu rõ để có kết quả tốt trong kỳ thi không có cách nào khác là phải nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức trong cả quá trình, ôn thi khoa học, nghiêm túc… Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cần phát huy vai trò giáo dục tư tưởng cho học sinh trong nhà trường. Các cấp, các ngành liên quan cần can thiệp, xử lý kịp thời hoạt động mê tín dị đoan.

Mỗi kỳ thi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi học trò để các em thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, trên khía cạnh tâm lý xã hội “tâm an, sự mới thành”, để giảm bớt phần nào áp lực cho học sinh, các nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, mỗi gia đình có thể tổ chức cho các em đi tham quan, dâng hương ở Văn miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Mao Điền, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc... Những hành trình về nguồn này còn giúp các em học được chữ tâm, chữ tài từ những vị anh hùng, những người thầy lớn của dân tộc. Từ đó, góp phần cổ vũ tinh thần học tập, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan trước khi bước vào những kỳ thi quan trọng.

HUYỀN THANH (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan trước mùa thi