Luân chuyển cán bộ có lợi ích gì?

28/08/2018 07:44

Có thể khẳng định rằng việc luân chuyển cán bộ đã hình thành những hiệu ứng tâm lý tích cực đối với nhiều nhóm đối tượng. Nó tạo ra môi trường tâm lý mới...

Sau hơn một năm thực hiện Quyết định của UBND tỉnh quy định về luân chuyển và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, đến tháng 8.2018, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với 454 công chức, viên chức. Trong đó có 127 công chức lãnh đạo, quản lý, 327 công chức, viên chức bình thường. Toàn bộ 12 huyện, thị xã, thành phố, 19 trong tổng số 23 sở, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định. Đây thực sự là một chuyển động tích cực, bước đầu đem lại những lợi ích thiết thực.

Có thể khẳng định rằng việc luân chuyển cán bộ đã hình thành những hiệu ứng tâm lý tích cực đối với nhiều nhóm đối tượng. Nó tạo ra môi trường tâm lý mới, khác với môi trường trước đây để mỗi cán bộ có thể kiểm nghiệm giá trị của mình theo các chuẩn mực của xã hội thông qua sự lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, sự nhận xét, góp ý của bạn bè, đồng nghiệp mới. Người cán bộ được luân chuyển cần nhớ rằng quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức tốt. Muốn quản lý, lãnh đạo họ thì bản thân mình phải gương mẫu. Vậy là môi trường mới đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ luân chuyển tự hoàn thiện mình.

Luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện năng lực quản lý, lãnh đạo của người cán bộ. Vì khi đến môi trường công tác mới, được tiếp xúc với những đối tượng mới, người cán bộ luân chuyển phải đầu tư công sức, trí tuệ để tìm ra những giải pháp phù hợp với thực trạng của đơn vị trên cơ sở sàng lọc những điểm mạnh vốn có và sáng tạo những cái mới. Nếu chỉ giáo điều ỷ lại những gì đã tích lũy được từ môi trường cũ, không quan tâm đúng mức đến tính đặc thù của môi trường mới thì cán bộ luân chuyển khó có thể đạt được hiệu quả công tác cao. 

Luân chuyển là một cách thức đo lường giá trị của cán bộ trong quá trình cống hiến. Nói một cách khách quan môi trường mới vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với họ. Có biến được những khó khăn thành thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ ở môi trường mới hay không là tùy thuộc vào bản lĩnh chính trị, tư duy khoa học thực tiễn và tính năng động sáng tạo của bản thân cán bộ luân chuyển. Sự thành công đến mức độ nào của họ sẽ được tổ chức đánh giá, ghi nhận, coi là căn cứ để bố trí, sắp xếp và sử dụng trong công tác quy hoạch cán bộ. 

Luân chuyển là một giải pháp quan trọng nhằm khắc phục một hạn chế đang tồn tại lâu nay là tâm lý hẹp hòi, ích kỷ, tính cục bộ, không muốn cán bộ nơi khác đến quản lý, lãnh đạo ở địa phương mình. Trong khi đó lại muốn đưa con cháu, người thân, họ hàng vào các vị trí quan trọng của hệ thống chính trị. Sự có mặt của cán bộ luân chuyển sẽ tạo ra rào cản đối với những ai có tư tưởng cá nhân trong công tác cán bộ. 

Luân chuyển cán bộ là yếu tố góp phần tích cực vào việc phòng chống các hiện tượng tiêu cực nói chung, nhất là chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, tham nhũng. Vì thông thường những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong phạm vi nhóm nhỏ, đó là những người có quan hệ công tác với nhau trong một thời gian dài, “ăn ý” với nhau khi tính toán về những lợi ích cá nhân. Sự có mặt của cán bộ luân chuyển giống như “một vật cản” xuất hiện trong một tập thể, để ngăn ngừa những tư tưởng xấu có thể nảy sinh.

Luân chuyển cán bộ theo đúng nghĩa của nó sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo ra động lực phát triển của cả hệ thống chính trị nói chung, của ngành tổ chức Đảng nói riêng. Có điều là chúng ta phải nhớ lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ phái đến, trình độ thường cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng cán bộ địa phương lại biết rõ nhân dân, quen thuộc công việc hơn. Hai hạng cán bộ này phải giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau thì công việc mới chạy”.

PHẠM TRUNG THANH

(0) Bình luận
Luân chuyển cán bộ có lợi ích gì?