Kiểm soát chặt chẽ tài sản

15/06/2018 07:19

Việc kê khai tài sản, thẩm định lại tài sản của cán bộ, công chức đã khó, song phát hiện, chứng minh và thu hồi tài sản bất minh còn khó hơn.


Chiều 13.6, đại biểu Lê Thị Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 với nhiều quy định đột phá, thể hiện quyết tâm cao trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Theo ông Dương Quang Thịnh, Phòng Thanh tra, phòng chống tham nhũng (Thanh tra tỉnh), trong năm 2017, toàn tỉnh có 10.948 trường hợp kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản, thẩm định lại tài sản của cán bộ, công chức đã khó, song phát hiện, chứng minh và thu hồi tài sản bất minh còn khó hơn. Do đó, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) mới phải đưa ra những quy định rõ ràng để tạo thuận lợi trong quá trình điều tra, xác minh và thu hồi tài sản nếu phát hiện tham nhũng. 

Việc mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là bước đi cần thiết để hình thành hệ thống đồng bộ dữ liệu quốc gia về bản kê khai. Qua đó, giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện phải kê khai hằng năm. Dự thảo luật sửa đổi thể hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản.

Tại điều 37 Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), đối tượng kê khai tài sản mở rộng so với Luật PCTN hiện hành là mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Trong khi Luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ phó trưởng phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) bổ sung một số điều (điều 100 và 102) nhằm kiểm soát chặt chẽ, tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Cụ thể, mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư). Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.

Luật PCTN (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, có tính chất phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nên dự án luật này được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp (dài hơn 1 kỳ so với quy trình thông thường). Việc nghiên cứu sâu, thảo luận kỹ, giải trình thuyết phục sẽ bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, khắc phục hạn chế trong thực tiễn khi thi hành luật, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Kiểm soát chặt chẽ tài sản