Kẽ hở trong cơ chế quản lý Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện

17/08/2018 09:51

Không rõ ràng về cơ quan chủ quản, có nhiều đầu mối quản lý đã dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, phát hiện sai phạm tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kim Thành đã lập hồ sơ khống 27 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để rút ngân sách nhà nước

Từ việc Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) huyện Kim Thành câu kết với cấp dưới và các đơn vị liên quan lập hồ sơ khống, rút ruột ngân sách nhà nước hơn 800 triệu đồng, đặt ra nhiều câu hỏi về việc quản lý các TTBDCT cấp huyện hiện nay. 

“Con 3 cha”

Vi phạm tại TTBDCT huyện Kim Thành không những gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và đảng viên. Bằng việc lập khống hồ sơ, giả mạo chứng từ, bà Nguyễn Thị Bách Diệp, Giám đốc TTBDCT huyện Kim Thành và ông Đồng Xuân Thành, Phó Giám đốc trung tâm cùng các cán bộ khác trong đơn vị đã rút ngân sách nhà nước, để ngoài sổ sách nguồn thu của đơn vị 812 triệu đồng. Trong năm 2016 và 2017, trung tâm lập hồ sơ khống mở 27 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Sai phạm khiến 2.754 lượt học viên là đảng viên, cán bộ cơ sở của huyện không được học tập, nghiên cứu về Nghị quyết của Đảng, cập nhật kiến thức mới, các chuyên đề và một số chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế cho thấy chính bất cập trong cơ chế quản lý TTBDCT đã tạo ra kẽ hở “tiếp tay” cho sai phạm.

Hiện nay, TTBDCT cấp huyện được ví như “con 3 cha”, một đơn vị có nhiều đầu mối quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo. Theo Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTBDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TTBDCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp uỷ cấp huyện. Trung tâm có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Huyện ủy chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, cán bộ, nhân sự, nội dung công việc. UBND huyện quản lý về kinh phí ngân sách và cơ sở vật chất. Ngoài ra, TTBDCT cấp huyện thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Chính việc không rõ ràng về cơ quan chủ quản, có nhiều đầu mối quản lý đã dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và phát hiện sai phạm tại các TTBDCT cấp huyện.

Khó phát hiện vi phạm

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, theo quy định, hằng năm trên cơ sở định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu bồi dưỡng; kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả công tác giảng dạy, học tập và các hoạt động khác đối với TTBDCT các huyện, thị xã, thành phố.

Việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các TTBDCT cấp huyện được thực hiện theo trình tự: TTBDCT cấp huyện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo năm. Để xác định chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cơ sở. Từ đó dự kiến chỉ tiêu, kế hoạch mở lớp, báo cáo Thường trực Huyện ủy. Khi được Thường trực Huyện ủy thông qua, TTBDCT cấp huyện sẽ gửi kế hoạch và đăng ký chỉ tiêu đào tạo lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy căn cứ chỉ tiêu tham mưu của huyện, giao chỉ tiêu theo năm về từng đơn vị. Hằng tháng, TTBDCT cấp huyện báo cáo tiến độ thực hiện mở lớp về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Mỗi năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành ít nhất 2 đợt kiểm tra tại các TTBDCT cấp huyện về tiến độ thực hiện, hồ sơ nghiệp vụ và giáo vụ. Tuy nhiên, việc kiểm tra chuyên môn chủ yếu trên giấy tờ, sổ sách nên rất khó phát hiện vi phạm.

Kinh phí tổ chức lớp học tại các TTBDCT huyện, thị xã, thành phố được tỉnh phân bổ về huyện theo chỉ tiêu đã được phê duyệt. Nguồn ngân sách này huyện phân bổ cho TTBDCT, Kho bạc Nhà nước cấp huyện kiểm soát hoạt động thu chi. Theo lãnh đạo một Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, cuối năm phòng có thẩm định quyết toán ngân sách song khó phát hiện sai phạm khi đơn vị hợp lý hóa các khoản thu chi bằng việc giả mạo chứng từ.  Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Thanh tra Nhà nước huyện chỉ thực hiện kiểm tra, thanh tra việc sử dụng ngân sách tại các TTBDCT huyện khi có đơn thư tố cáo hoặc thấy có dấu hiệu vi phạm. Do vậy, khi TTBDCT cấp huyện cùng "bắt tay" với các cơ quan khác để lập hồ sơ khống, rút ruột ngân sách thì sẽ khó phát hiện vi phạm. 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kẽ hở trong cơ chế quản lý Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện