Hệ lụy của sự gian dối

22/07/2018 07:49

Chiều 17.7, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố kết quả rà soát những bài thi có điểm cao bất thường ở Hà Giang.

Theo đó, hơn 330 bài thi của 114 thí sinh có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn từ 1-8,75 điểm so với điểm chấm thẩm định lại của Bộ GDĐT. Tổng điểm của nhiều thí sinh chênh lên hơn 20 điểm, cao nhất lên tới 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định tức là điểm đánh giá chính xác bài thi. 

Kết quả đó khiến dư luận không khỏi rúng động, bàng hoàng vì sự gian dối quá trắng trợn nhưng được thực hiện một cách tinh vi. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay Bộ GDĐT đã tăng cường số lượng thanh tra lên mức kỷ lục để bảo đảm tính công bằng, khách quan trong cả khâu coi và chấm thi. Vụ việc ở Hà Giang cho thấy biện pháp ngăn chặn đằng ngọn đó của bộ không có nhiều tác dụng dù chi phí bỏ ra khá lớn. Qua xác minh ban đầu cho thấy một Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng của Sở GDĐT tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Nhiều người cho rằng không thể chỉ một người có thể làm sai lệch kết quả thi một cách đơn giản và nhanh chóng thế. Còn nếu chỉ một người cũng có thể tạo ra sự gian dối thì lại càng khẳng định quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của công an cũng như của Thanh tra Bộ GDĐT và Thanh tra Sở GDĐT quá lỏng lẻo.

Dù chỉ một người can thiệp vào kết quả thi hay có cả một ê kíp thì sự gian lận này đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài. Trước mắt, câu hỏi đang được dư luận đặt ra là liệu sự gian lận đó chỉ có ở tỉnh Hà Giang hay còn nhiều địa phương khác nữa? Bộ GDĐT có nên chấm lại toàn bộ các bài thi hay không? Để trả lời được những câu hỏi này, Bộ GDĐT và các địa phương sẽ tiếp tục tốn kém nhiều công sức, chất xám và chi phí. Ngay cả khi việc này được thực hiện một cách thấu đáo nhất thì ngành GDĐT cũng khó lòng lấy lại được niềm tin của người dân vào kỳ thi THPT quốc gia vốn đã có ít nhiều nghi vấn trong ngày một ngày hai. Vụ việc tiêu cực trên còn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực tới cái nhìn của học sinh đối với sự công bằng trong thi cử, khiến các em hoang mang, hồ nghi về những đánh giá trong trường học. Bởi trong khi hàng trăm nghìn thí sinh miệt mài ôn luyện, chật vật kiếm từng điểm một cho bài thi thì lại có những thí sinh được nâng điểm nhiều một cách khó tin để nghiễm nhiên có "tấm vé" vào trường đại học. Trong xu hướng ngày càng ít các trường đại học sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì "cú sốc Hà Giang" sẽ càng khiến các trường trở nên dè dặt. Khi đó, mục tiêu "hai trong một" của kỳ thi này không còn nhiều ý nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định pháp luật về vụ kết quả thi THPT bất thường tại Hà Giang. Về lâu dài, Bộ GDĐT không chỉ làm rõ, rút kinh nghiệm một vụ việc này mà cần có những thay đổi mang tính chiến lược để bảo đảm sự an toàn, công bằng cho kỳ thi THPT quốc gia, lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh và giáo viên trong cả nước. 

LAM ANH

(0) Bình luận
Hệ lụy của sự gian dối