Gần lắm Trường Sa: "Trái tim" huyện đảo

30/05/2018 16:23

Thị trấn Trường Sa được đặt trên đảo Trường Sa, được coi là "trái tim" của huyện đảo. Đây cũng là một trong 3 đảo có người dân sinh sống, có trường học cho học sinh...


Các em nhỏ trên đảo Trường Sa hồn nhiên khi được các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh Hải Dương chia sẻ quà tặng từ đất liền

Thủ phủ 

Sáng 19.5, tàu kiểm ngư KN-491 đưa đoàn công tác của tỉnh Hải Dương cập cầu tàu đảo Trường Sa. Đây cũng là đảo cuối cùng đoàn công tác đến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ tại 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 Phúc Tần.

Giữa biển rộng mênh mông, đảo Trường Sa với diện tích 34,5 ha nổi lên với nhiều công trình hiện đại, phục vụ nhu cầu huấn luyện, chiến đấu và ăn ở của quân và dân trên đảo. Cảng nước sâu của đảo có thể tiếp nhận tàu vận tải cỡ lớn. Trên đảo có đường băng dài hơn 1,3 km, nhà ga hàng không cho phép các máy bay chở đoàn công tác ra đảo làm việc, phục vụ việc huấn luyện và cứu hộ, cứu nạn. 

Đảo có làng chài, âu tàu rộng với đầy đủ trang thiết bị, có thể neo đậu được trên 90 tàu cá của ngư dân tránh trú bão. Các khu nhà làm việc của cán bộ, chiến sĩ, của Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Trường Sa, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Nhà ở của người dân được xây dựng chắc chắn với đầy đủ trang thiết bị bảo đảm cuộc sống.

Giữa biển khơi chỉ có cát và nước biển nhưng quân và dân nơi đây đã phủ xanh hòn đảo với các loại cây tra, bàng vuông và bàng ta. Theo trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, năm 2017, hai cơn bão số 15 và 16 với gió trên cấp 12 trong vòng 1 tuần đổ bộ vào đảo đã quật đổ hơn 90% số cây trên đảo. 

Những cây bàng vuông, bàng ta, cây tra, cây phong ba được trồng từ hàng chục năm, tán rộng che mát phần lớn đảo bị gió bão đánh gẫy cành, bung gốc. Gió to, sóng lớn, nước biển dâng cao tràn vào đảo, ngay cả đường băng sân bay cũng bị ngập hơn 1 m nước biển. 

Sau bão, cán bộ, chiến sĩ đã khôi phục lại những cây bị bão quật đổ nhưng riêng cây phong ba không chịu được nước mặn đã chết gần hết. Những cây còn lại dần đâm chồi, nảy lộc, lên xanh. "Hai cơn bão mạnh nhất trong vòng 43 năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho quân và dân trên đảo. Phải mất vài năm nữa, đảo mới có lại được hệ thống cây xanh như trước kia", trung tá Lương Quốc Anh cho biết.

Trước khi làm việc với chỉ huy đảo, đoàn công tác đến dâng hương tưởng niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đảo Trường Sa...

Thắm tình quân dân

Trên đảo Trường Sa có 7 hộ dân với 29nhân khẩu. Đây là 1 trong 3 đảo trên quần đảo Trường Sa có người dân sinh sống. Người dân sinh sống trên đảo có điều kiện ăn ở khá tốt. Mỗi gia đình được Nhà nước xây cho một căn nhà cấp 4, rộng khoảng 50 m2. Bên trong có phòng khách, phòng ngủ và các tiện nghi như ti vi, tủ lạnh. Chị Nguyễn Bình Phương Ái (33 tuổi), một hộ dân sinh sống trên đảo cho biết gia đình chị quê gốc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), ra đảo sinh sống được vài năm nay. 

Gia đình chị có 5 nhân khẩu. Chồng chị - anh Thái Nhật Trường (36 tuổi) ngoài đánh bắt cá còn làm thêm nghề hoa đá. Chị Ái ở nhà chăm sóc 3 con nhỏ và cũng làm thêm nghề thêu. "Cuộc sống của gia đình tôi khá ổn định. Mỗi tháng, Nhà nước hỗ trợ gia đình tổng cộng hơn 20triệu đồng. Điện, nước sinh hoạt, bộ đội trên đảo hỗ trợ. Gia đình chỉ phải chi tiền mua gạo, rau, thực phẩm", chị Ái nói.

Theo chị Ái, quân và dân trên đảo sống đoàn kết, gắn bó. Khi người dân có công việc, cán bộ, chiến sĩ trên đảo giúp đỡ tận tình, chu đáo. "Năm ngoái, bão làm hư hỏng nhà dân, bộ đội giúp chúng tôi chằng chống nhà cửa, cây cối. Sau bão, bộ đội giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khôi phục cuộc sống", chị Ái chia sẻ.

Trẻ em trên đảo đến tuổi đi học được học hành đầy đủ. Cả đảo có 9 học sinh, được chia làm 2 lớp. Thầy giáo Đồng Minh Hiệp (sinh năm 1991) dạy 4 em học sinh từ lớp 1-3. Thầy giáo Phạm Trung Việt (sinh năm 1984) dạy 5 em lớp 4, lớp 5. 

Thầy Việt cho biết ngay từ lúc còn học đại học đã mong muốn khi tốt nghiệp ra trường được ra đảo để dạy chữ cho học sinh. "Tôi tình nguyện ra đảo dạy học phần vì tình yêu với các em nhỏ phải sống xa đất liền, phần vì muốn tiếp nối truyền thống cha ông giữ lấy biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", thầy Việt nói.

Theo thầy Việt, dạy học trên đảo tuy thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân nhưng có nhiều kỷ niệm rất thú vị. Các em sinh ra và lớn lên trên đảo trong môi trường quân đội nên rất ngoan ngoãn, lễ phép. Các em khá thông minh, chịu khó học hỏi. "Dạy học ở đảo tuy ít học sinh nhưng dạy nhiều khối nên đòi hỏi người thầy phải chuẩn bị giáo án nhiều lớp. Có những môn không chuyên như nhạc, họa, chúng tôi cũng phải tìm hiểu để dạy. Bù lại, chúng tôi có nhiều thời gian để kèm các em học. Sau khi học xong lớp 5, các em vào đất liền học và hoàn toàn theo kịp các bạn cùng lớp", thầy Việt nói. 

PHƯƠNG LINH

Trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 Phúc Tần, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương đã trao tặng 300 triệu đồng cho Quỹ Trường Sa, tặng 23 suất quà cho các đảo và nhà giàn DK1, 60 suất quà cho cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương và 14 suất quà cho các hộ dân trên các đảo. Tổng giá trị quà tặng hơn 500 triệu đồng.

(0) Bình luận
Gần lắm Trường Sa: "Trái tim" huyện đảo