Đừng biến mình thành “anh Chí”

13/09/2018 09:22

Bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân là quyền của mỗi người song dù bày tỏ ở đâu thì cũng nên sử dụng quyền ấy một cách văn minh và đúng pháp luật.

Ai đã từng đọc tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao hẳn còn nhớ đoạn mở đầu giới thiệu rất ấn tượng về Chí: “Hắn vừa đi vừa chửi. Lần nào cũng vậy, cứ rượu xong là hắn chửi…”. Chí Phèo của Nam Cao là sản phẩm của xã hội mà ở đó chế độ thực dân nửa phong kiến đã làm cho con người trở nên tha hóa, lưu manh, biến một anh nông dân chất phác thành kẻ chuyên “rạch mặt ăn vạ". Hình ảnh Chí “vừa đi vừa chửi” là một minh chứng cho điều đó. Giờ đây, gần 100 năm sau, người ta lại thấy thấp thoáng bóng dáng những anh Chí của thời hiện đại trên mạng xã hội. Họ không ăn vạ như Chí nhưng lại chẳng khác Chí là bao khi cứ lên mạng là chửi, chẳng cần biết đúng sai.

Anh Chí trong cộng đồng mạng xã hội được gọi với cái tên mỹ miều là các “anh hùng bàn phím”. Họ sẵn sàng lên án, chửi rủa tất cả những gì họ cho rằng chướng tai, gai mắt dù bản thân chưa hiểu rõ bản chất của sự việc, hiện tượng. Những ồn ào, tranh cãi thiếu văn minh xoay quanh việc sử dụng sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên hơn nửa tháng qua là một ví dụ.

Không bàn về chuyện sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục hay hơn hay sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành nhiều ưu điểm hơn, bởi tôi tin rằng mỗi chương trình đều có mặt mạnh, mặt yếu riêng. Cá nhân tôi cũng có con học lớp 1 theo chương trình Tiếng Việt công nghệ giáo dục và tôi thấy học theo chương trình này cháu vẫn biết đọc, biết viết như trẻ học theo cách truyền thống. Trong suốt quá trình học tập, cũng không có khó khăn gì do việc học với phương pháp mới. Như vậy có thể thấy, dù chọn chương trình nào, thì cái đích cuối cùng vẫn là học hết lớp 1 có thể biết đọc, biết viết. Vậy thì cớ gì phải cực lực lên án, phản đối khi thực tế chương trình không làm hại gì đến học sinh? Đó là chưa kể việc chọn chương trình này để giảng dạy hay không là do từng tỉnh quyết định. Nếu không hài lòng, có thể kiến nghị với ngành giáo dục - đào tạo thay vì công kích, lên án, chửi bới người viết sách.

Đáng tiếc là nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không tìm hiểu kỹ vấn đề, chỉ nhìn thấy những đoạn video clip bị cắt xén, những bức ảnh chế cố tình làm sai lệch bản chất vấn đề đã vội chia sẻ, lên án. Sự sôi động của mạng xã hội về vấn đề này thời gian qua làm cho người ta có cảm giác nhiều người chẳng còn việc gì làm ngoài chuyện lên mạng để tranh cãi, thóa mạ một chương trình, một bộ sách chỉ bởi nó không giống với những gì họ từng được học. Và cũng không hiếm kẻ nhân chuyện này, mượn cớ để nói xấu Đảng, Nhà nước. 

Còn biết bao vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc đang diễn ra hằng ngày và sẽ còn nhiều chuyện thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân là quyền của mỗi người song dù bày tỏ ở đâu thì cũng nên sử dụng quyền ấy một cách văn minh và đúng pháp luật. Đối với cán bộ, đảng viên lại càng phải thận trọng, không nên để đám đông dắt mũi. Mỗi người đều phải có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin, đừng biến mình thành “anh Chí” thời đại 4.0.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng biến mình thành “anh Chí”