Đơn vị sự nghiệp công lập cũng lao đao vì Covid-19

18/04/2020 07:02

Không chỉ riêng doanh nghiệp mà nhiều đơn vị sự nghiệp công lập cũng đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dãy ki-ốt Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cho thuê đã đóng cửa vì dịch bệnh 

Nguồn thu khó khăn

Nhà Thiếu nhi tỉnh là nơi vui chơi giải trí quen thuộc của thiếu nhi nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, nơi đây chưa một ngày sôi động. Các hoạt động vui chơi giải trí ở ngoài trời, các lớp học năng khiếu nghệ thuật, thể thao bị tạm dừng làm cho cán bộ, người lao động như "ngồi trên đống lửa". Hằng năm, Nhà Thiếu nhi tỉnh được ngân sách tỉnh cấp một phần kinh phí hoạt động, trong đó có 600 triệu đồng chi tiền lương cho cán bộ, giáo viên, hơn 500 triệu đồng cho các hoạt động như tổ chức Tết Trung thu, tham gia các giải nghệ thuật, thể thao cấp Trung ương, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ... Tuy nhiên, tiền lương ngân sách cấp chỉ đủ chi cho 6 tháng đầu năm, còn lại 6 tháng cuối năm và các hoạt động khác đơn vị phải tự lo. Kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, cải tạo bể bơi... cũng đều từ nguồn thu của các hoạt động tự chủ. Do dịch Covid-19 kéo dài nên chắc chắn việc chi trả chế độ cho người lao động và tổ chức các hoạt động vào cuối năm nay sẽ rất khó khăn. Đã vậy, một số dịch vụ thuê mặt bằng kinh doanh cà phê, tập thể hình tại Nhà Thiếu nhi thời điểm này cũng đóng cửa nên nguồn thu của đơn vị càng thêm khó khăn. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hải Dương cũng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tỉnh đoàn. Kinh phí hoạt động của trung tâm phải trông chờ vào các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, tư vấn... nhưng các hoạt động trên đều đã tạm dừng do dịch Covid-19. 

Còn với Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mọi kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm chỉ còn chờ thời gian thực hiện nhưng do dịch bệnh Covid-19 cũng phải tạm dừng. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Khi chưa có dịch, bình quân mỗi tháng Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh thu được khoảng 180 triệu đồng từ các hoạt động tập luyện thể thao của các câu lạc bộ, đơn vị... Ngoài ra, mỗi năm Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh tổ chức khoảng 40 sự kiện văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, thu từ 1,5-2 tỷ đồng. Nếu không có dịch bệnh thì năm 2020 nguồn thu của đơn vị khá khả quan vì có nhiều sự kiện lớn sẽ được tổ chức tại đây như khai mạc Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, vòng chung kết Robocon... Nguồn thu đó để chi lương, đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, người lao động, trả tiền điện, nước... Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cho biết từ đầu năm đến nay đơn vị chưa tổ chức được sự kiện nào, nguồn thu rất khó khăn. "Nếu dịch bệnh kéo dài nữa, chúng tôi sẽ không còn nguồn để chi trả lương cho cán bộ biên chế", ông Hưng nói.


​Nhà Thiếu nhi tỉnh phải tạm dừng hoạt động của bể bơi do dịch Covid-19

Lao động nghỉ việc không lương

Nhà Thiếu nhi tỉnh hiện có hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 10 người trong diện hợp đồng bắt đầu nghỉ việc không lương từ ngày 1.4. Cán bộ, giáo viên trong biên chế ngay từ đầu tháng 2 đã bị cắt mọi phụ cấp, chỉ còn hưởng lương chính. Cán bộ, giáo viên hợp đồng ở đây chủ yếu còn trẻ nên ngay sau khi nghỉ việc đã tham gia vào lực lượng trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 theo huy động của Tỉnh đoàn. Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Phạm Thị Thanh Hải cho biết 3 năm trở lại đây ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị giảm 15% mỗi năm. Theo lộ trình đến năm 2021, đơn vị phải tự chủ hoàn toàn. "Thời điểm này đang rất khó khăn. Cán bộ, giáo viên đều là những người gắn bó với đơn vị nhiều năm. Kinh tế nhiều gia đình chỉ phụ thuộc vào bản thân họ nên lúc này nghỉ việc không lương là rất vất vả", chị Hải nói.

Chị Nguyễn Thị Xiêm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hải Dương cho biết đơn vị cũng đang cầm cự trả lương cố định cho tất cả cán bộ, nhân viên sau khi đã cắt mọi khoản phụ cấp. Nếu dịch bệnh kéo dài, không triển khai được các hoạt động trung tâm sẽ không còn khả năng để trả lương cho người lao động.

Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cũng đã cho 12 lao động nghỉ việc. Một số lao động trong biên chế cũng tự viết đơn xin nghỉ không lương để chia sẻ khó khăn cùng đơn vị. Anh Nguyễn Đình Hiếu làm việc ở đây từ năm 2014 cho biết đã làm đơn xin nghỉ không lương từ ngày 1.4. Thời gian này anh đi làm một số việc vặt, đợi sau khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ quay lại đơn vị làm việc.

Lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết đơn vị vẫn trả lương cho hơn 70 viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định 68 và 10 lao động hợp đồng thời vụ. Nếu dịch còn kéo dài thì từ tháng 5, đơn vị sẽ phải ngừng chi trả lương cho viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định 68, đồng thời chấm dứt hợp đồng với một nửa số lao động hợp đồng thời vụ và giảm 50% lương với những lao động thời vụ còn lại.

PV

(0) Bình luận
Đơn vị sự nghiệp công lập cũng lao đao vì Covid-19