Điều chỉnh quy hoạch có dấu hiệu tư lợi hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư

27/05/2019 14:14

Ngày 27.5, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 6.


Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết trong nhiều trường hợp dẫn đến thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội

Buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Điều chỉnh tùy tiện làm nát quy hoạch

Báo cáo trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết xuất phát từ sự quan tâm của cử tri đối với thực trạng phát triển nhanh chóng của các đô thị thời gian qua, QH đã thành lập đoàn giám sát nội dung về đất đai đô thị do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn. Kết luận của đoàn giám sát cho thấy nhiều tồn tại trong công tác quy hoạch, sử dụng đất cũng như công tác quản lý xây dựng... đã gây ra nhiều hệ luỵ, đặc biệt, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn tồn tại quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần. 

Quy hoạch được điều chỉnh có xu hướng tăng lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh… Đồng thời, các khu tái định cư cho người dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị thấp. Điều này gây tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho người dân như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện... 

“Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện đã làm nát quy hoạch, chậm tiến độ, gây đội vốn, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư công, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc khác. Cử tri mong muốn, trụ sở cũ của các bộ, ngành khi di dời sẽ phải thành vườn hoa, công viên, các công trình công cộng, làm tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao trọc trời”, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thắt chặt quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm ngăn chặn những hiện tượng này.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất hiện nay mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất theo nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương, chưa có nội dung phân vùng không gian sử dụng đất.

Qua giám sát cho thấy việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có nhiều khoảng trống pháp lý. Quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch ban đầu. 

"Đúng là trong quá trình triển khai quy hoạch vẫn cần điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi hoặc theo tư duy chủ quan, hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tuy có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư nhưng việc điều chỉnh trong nhiều trường hợp chưa tương xứng dẫn đến thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội", đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một hệ thống thiết chế, đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch nói chung, điều chỉnh quy hoạch nói riêng. Đại biểu đề nghị quy hoạch sử dụng đất được lập phải là kịch bản sử dụng đất cho tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường. 

Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường sử dụng nguồn lực về đất đai trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất như lấy ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Thanh tra thực hiện quy hoạch khi có dấu hiệu vi phạm

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều cùng ngày, đại biểu Hoàng Văn Hương (Sơn La) nêu một số bất cập qua thực tiễn giám sát tại địa phương như khó khăn trong quản lý đất, giao đất tại khu vực miền núi; việc lấy ý kiến khi lập quy hoạch đô thị; việc chuyển nhượng đất trồng cây hằng năm sang đất ở... Từ đó, đại biểu Hương đề nghị QH, Chính phủ cần có quy định rõ ràng tránh các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết qua các báo cáo nhận thấy việc thực hiện quản lý quy hoạch và sử dụng đất đô thị còn bộc lộ nhiều yếu kém như chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh quy hoạch không bảo đảm... Điều này gây khó khăn cho người dân sống trong vùng quy hoạch. “Đây là nguyên nhân dẫn đến việc trục lợi chính sách của một số bộ phận công chức trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến sử dụng đất đai đô thị”, đại biểu Sinh nói. Đại biểu kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các quy định về huy động vốn để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong huy động nguồn lực để phát triển kinh tế và tránh tham nhũng trong lĩnh đất đai. Các địa phương cần thanh tra và sớm có kết luận trong thực hiện quy hoạch, giao đất khi có dấu hiệu vi phạm quy định. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có vi phạm và chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết báo cáo giám sát và các ý kiến của các đại biểu đã nêu rất đầy đủ, cụ thể về kết quả đạt được và hạn chế yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc sử dụng đất tại đô thị. Bộ Xây dựng xin tiếp thu để xây dựng quy định cụ thể và hạn chế bất cập trong việc sử dụng đất.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định bảo đảm sự quản lý chặt chẽ quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, sẽ có rà soát để ban hành công cụ tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên, hiệu quả hơn.

Ngày 28.5, QH tiếp tục làm việc. Buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); thảo luận về dự thảo luật này. Đầu giờ chiều, Quốc làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cuối giờ chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh quy hoạch có dấu hiệu tư lợi hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư