Điểm tựa để phát triển văn hóa

16/09/2018 09:13

Trung tâm Văn hóa xứ Đông được tỉnh xác định là công trình trọng điểm, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020.

UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án đầu tư công trình này. Việc xây dựng Trung tâm Văn hóa xứ Đông nhằm bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện lớn quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và sinh hoạt cho người dân, góp phần bảo đảm đủ tiêu chí để nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I vào trước năm 2020. Một công trình văn hóa quy mô cấp tỉnh như vậy là rất cần thiết đối với sự phát triển của một địa phương có bề dày văn hóa như Hải Dương.

Mặc dù vậy, thời gian qua, trên một số tờ báo, mạng xã hội có những ý kiến băn khoăn với việc xây dựng Trung tâm Văn hóa xứ Đông. Nhiều câu hỏi liên quan được nêu ra như: Một trung tâm văn hóa đồ sộ liệu có làm cho văn hóa con người, địa phương được nâng lên? Vì sao đã có một số công trình văn hóa rồi mà vẫn xây mới?... Có lẽ những người đặt câu hỏi đó quên rằng trong lĩnh vực văn hóa có cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể, trong đó có các công trình văn hóa. Các công trình văn hóa nằm trong hệ thống thiết chế văn hóa và có mối quan hệ biện chứng với những yếu tố phi vật thể. Các công trình văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để người dân giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể. Thực tế đã cho thấy nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc như hát chèo, hát xoan, quan họ, hát bội, đờn ca tài tử... đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những sân đình, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa của xã, thôn... Vì vậy không thể nói văn hóa phi vật thể có thể phát triển hoàn toàn không cần tới sự đầu tư cho các công trình văn hóa. Trong hệ thống thiết chế văn hóa, nếu như các chế độ, chính sách là điểm tựa vô hình thì các công trình văn hóa cùng với bộ máy nhân sự chính là điểm tựa hữu hình cho sự giữ gìn, nuôi dưỡng, phát triển các giá trị văn hóa.

Tại Hải Dương, trong những năm qua, hệ thống nhà văn hóa thôn, khu dân cư đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Nhưng ở quy mô cấp tỉnh, các công trình văn hóa như Trung tâm Triển lãm tỉnh, Nhà hát Nhân dân, hội trường của Trung tâm Văn hóa tỉnh đều được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, quy mô không còn tương xứng với nhu cầu hiện tại. Sự yếu kém, lạc hậu của công trình văn hóa ảnh hưởng lớn tới khả năng tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa văn nghệ quy mô lớn cho đông đảo người dân thụ hưởng. Một Trung tâm Triển lãm xuống cấp, xấu xí khó lòng thu hút người dân tới thưởng thức các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh. Với một nhà hát xập xệ, không bảo đảm tiêu chuẩn, không thể mời các đơn vị nghệ thuật về biểu diễn các chương trình văn hóa, văn nghệ chất lượng cao, quy mô lớn... Và người dân là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất khi không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận với các giá trị văn hóa đó ở những nơi ngoài địa phương của mình.

Khi đời sống kinh tế của người dân ngày một tốt hơn, nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cũng được nâng cao. Xây dựng công trình văn hóa có quy mô tương xứng với nhu cầu đó là điều hợp lý, phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội. Một công trình văn hóa như Trung tâm Văn hóa xứ Đông không chỉ đáp ứng những nhu cầu trước mắt mà còn góp phần nâng cao dân trí, làm giàu thêm đời sống tinh thần, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa của tỉnh Đông văn hiến. Những giá trị vô hình quý giá ấy không thể đo đếm và sẽ phát huy ý nghĩa trong lâu dài.

LAM ANH

(0) Bình luận
Điểm tựa để phát triển văn hóa