Đáng lo cách dạy và thi môn sử

14/07/2018 08:00

Với 22 bài thi bị điểm liệt, đứng thứ 2 trong số các môn thi có điểm liệt đã cho thấy, việc dạy, học và thi môn lịch sử trong nhà trường bộc lộ nhiều bất ổn.

Ngày 11.7, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2018. Không nằm ngoài dự đoán trước đó, mặt bằng chung điểm thi năm nay thấp hơn mọi năm do đề thi được đánh giá là dài và khó. Trong đó, đáng chú ý là môn sử có số bài đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất. Toàn tỉnh có 117 bài thi bị điểm liệt (gấp 1,6 lần năm ngoái) thì số lượng bài thi lịch sử đứng thứ nhì với 22 bài. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác trong cả nước, cho thấy việc dạy, học và thi môn lịch sử trong nhà trường bộc lộ nhiều bất ổn.

Đề thi lịch sử năm nay khá dài, đạt điểm thật cao không dễ nhưng theo nhận định của nhiều giáo viên đề thi phù hợp với chương trình lịch sử trong nhà trường, không khó để đạt mức điểm trung bình. Tuy nhiên, thực tế kết quả thi lại quá thấp. Điều này phản ánh đúng thực trạng dạy và học môn lịch sử hiện nay. Đó là chương trình dạy lịch sử nặng, dài, ôm đồm kiến thức. Các giáo viên lịch sử chưa thích nghi kịp với cách dạy thi trắc nghiệm vì đây là môn khoa học xã hội, có nhiều phần kiến thức định tính, cần sự phân tích. Học sinh không hào hứng với môn học này.

Việc gộp 3 môn trong đó có lịch sử vào một bài thi khoa học xã hội trước đây được kỳ vọng sẽ khiến thí sinh bắt buộc phải học và thi môn này cho thấy không đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy số lượng thí sinh phải làm bài thi lịch sử tăng lên đáng kể (do các em chọn bài thi khoa học xã hội) nhưng không khiến học sinh hứng thú hơn với môn này. Trong 3 môn của bài thi khoa học xã hội, môn giáo dục công dân học sinh có thể lập luận, sử dụng kiến thức xã hội, môn địa lý được sử dụng Atlat và có câu bài tập, chỉ có môn lịch sử buộc phải nhớ nặng nhất. Vì thế, nhiều thí sinh dự thi với tâm lý chỉ cần không bị điểm liệt môn lịch sử còn tổng điểm trông chờ vào 2 môn còn lại nên quá trình học và ôn thi trước đó dành cho môn này không được quan tâm, chú trọng nhiều.

Điều đó cho thấy dùng các yếu tố kỹ thuật trong thi cử để "ép" học sinh phải học một môn nào đó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Quan điểm học thực dụng, thi thực dụng kiểu thi gì học đó thay vì học gì thi đó dẫn đến sự chủ quan trong thi trắc nghiệm môn lịch sử. Hình thức thi trắc nghiệm không thật sự phù hợp với môn lịch sử vì nó khiến học sinh lười học hơn so với cách thi tự luận. Nhiều thí sinh tặc lưỡi chỉ cần đoán mò cũng có thể qua điểm liệt.

Để học sinh hứng thú, chủ động tiếp thu kiến thức của môn học này, cần có sự đổi mới, cải cách trong thiết kế chương trình dạy cũng như phương pháp giảng dạy của giáo viên. Việc dạy sử cần truyền tải được bối cảnh lịch sử gắn những nhân vật lịch sử, với tư tưởng văn hóa truyền thống dân tộc cũng như sự ảnh hưởng, tác động tới hiện tại. Phân tích đánh giá lịch sử cần do chính học sinh nhận định chứ không chỉ truyền tải một chiều. Việc cải cách phải đi từ gốc rễ chứ không chỉ đánh vào phần ngọn là thi cử thì mới có hy vọng cải thiện được tình trạng học sinh ngại, sợ và học kém môn sử như hiện nay.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đáng lo cách dạy và thi môn sử