Có trường hợp thách thức dân "muốn kiện đâu thì kiện"

08/11/2017 14:25

Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bùi Mậu Quân cho biết có cơ quan giao cấp dưới không đủ thẩm quyền tiếp dân, thậm chí có trường hợp thách dân muốn kiện đi đâu thì kiện.

Có trường hợp thách thức dân muốn kiện đâu thì kiện! - Ảnh 1.

Trung tướng Bùi Mậu Quân lo ngại xu hướng chính trị hóa một số vụ khiếu nại, tố cáo - Ảnh: LÊ KIÊN

Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người tố cáo, nếu tố cáo sai thì phải có trách nhiệm bồi thường, đặc biệt bồi thường cho Nhà nước phải tổ chức con người, chi phí, thời gian để giải quyết

Đại biểu ĐỖ NGỌC THỊNH

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 8.11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định chặt chẽ, có chế tài để buộc người giải quyết tố cáo thì phải giải quyết đến nơi đến chốn, người tố cáo không được lợi dụng để tố cáo tràn lan. 

Nhiều vụ tố cáo do bị kích động, chính trị hóa

Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bùi Mậu Quân (đại biểu Hải Dương) cho biết hiện có một số vụ khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các vụ đông người đang gây nhiều hệ lụy xấu cho an ninh, trật tự xã hội.

"Người đi khiếu nại, tố cáo đem theo băngrôn, khẩu hiệu, ảnh Bác Hồ, viết vẽ lên người để đến cửa các cơ quan trung ương, thậm chí đến nhà các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Xu thế chính trị hóa khiếu nại, tố cáo cần rất chú ý. Từ vấn đề nhỏ có thể thổi bùng lên vấn đề lớn, trở thành vấn đề chính trị, nhân quyền", Trung tướng Bùi Mậu Quân cho hay.

Theo phân tích của Trung tướng Bùi Mậu Quân, để xảy ra tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, chứ không hoàn toàn lỗi của người khiếu nại, tố cáo.

"Dân người ta có nhu cầu gặp lãnh đạo có thẩm quyền, nhưng một số nơi lãnh đạo né tránh, giao phó cho cấp dưới, cho người không đủ thẩm quyền ra tiếp dân và giải quyết, thậm chí còn có trường hợp thách thức dân là muốn kiện đi đâu thì kiện", đại biểu Bùi Mậu Quân nói. 

"Cần quy định rõ trách nhiệm đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người giải quyết phải là người có thẩm quyền, giải quyết phải đi đôi với giải thích, tuyên truyền pháp luật, chứ không phải giải quyết cho hết nhiệm vụ", đại biểu Bùi Mậu Quân đề nghị.

Đồng thời, theo đại biểu, cũng phải quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý đối với những người tố cáo sai sự thật, lợi dụng tố cáo để kích động, gây mất trật tự xã hội. 

"Hiện chúng ta vẫn chủ yếu thuyết phục, vận động, chứ chưa có chế tài mạnh đối với các đối tượng lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây mất an ninh trật tự", đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam dẫn chứng thêm "hiện chỉ có hơn 10% tố cáo đúng, 20% có đúng có sai, nghĩa là tố cáo đúng chỉ là thiểu số". 

"Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người tố cáo, nếu tố cáo sai thì phải có trách nhiệm bồi thường, đặc biệt bồi thường cho Nhà nước phải tổ chức con người, chi phí, thời gian để giải quyết", đại biểu Thịnh đề nghị.

Tố cáo phải có điểm dừng

Có trường hợp thách thức dân muốn kiện đâu thì kiện! - Ảnh 3.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị quy định chế tài với những người tố cáo sai sự thật - Ảnh: LÊ KIÊN

Làm luật, phải đặt mình vào vị trí người đi tố cáo, người giải quyết tố cáo nhưng cũng phải đặt trong vị trí người bị tố cáo. Bởi trong các mùa bầu cử, tố cáo rất nhiều, có những người bị tố cáo sai nhưng rất ảnh hưởng đến sự nghiệp

Đại biểu NGUYỄN VĂN SƠN

Theo ông Thịnh, thực tế có nhiều vụ khiếu nại, tố cáo không có hồi kết, trong đó có những vụ đã được cấp cao nhất giải quyết và đúng quy định của pháp luật.

"Chúng tôi từng tham gia giải thích cho các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Mình giải thích rất rõ, rất cặn kẽ, nhưng đã là đoàn đông người thì rất hiếm khi họ nghe, chỉ một số ít người trong đó hiểu và nghe. Nhưng trong đám đông đó có những người bị kích động, có những đối tượng lợi dụng để gây mất trật tự", ông Thịnh nói.

"Phải tiến tới việc khiếu kiện thì phải ra tòa, tố cáo thì phải quy định chặt chẽ. Quy định cấp giải quyết cuối cùng, người tố cáo không đồng ý thì đưa ra tòa, chứ có nhiều vụ đến Thủ tướng giải quyết mà dân vẫn cứ không nghe, vẫn cứ đi khiếu nại, tố cáo thì còn ai giải quyết nữa" - ông Thịnh nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng dẫn chứng tương tự: Theo quy định, nếu cấp trực tiếp giải quyết không nhận được đồng tình thì cấp trên của cấp trực tiếp giải quyết là cấp giải quyết cuối cùng. 

Nhưng thực tế nhiều vụ đã giải quyết rồi nhưng người tố cáo không chịu, cứ tiếp tục tố cáo. Có những vụ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, rất phức tạp.

"Tôi đề nghị quy định hậu tố cáo thì xử lý thế nào, bởi tố cáo đến điểm dừng rồi, giải quyết đúng rồi mà người dân vẫn gây khó khăn cho người giải quyết thì xử lý ra sao? Người dân tố cáo nếu cho rằng giải quyết không thỏa đáng thì có thể đưa ra tòa án" - ông Sơn nói.

Đồng ý có tình trạng lợi dụng tố cáo gây phức tạp tình hình, nhưng đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) cho rằng cần phải ưu tiên bảo vệ người tố cáo đúng. 

Thực tế có những người tố cáo chính trực, đàng hoàng nhưng phải chịu đựng rất kinh khủng: bị trù dập, cô lập, dè bỉu ở cơ quan, đơn vị, thậm chí là khu phố nơi họ sống.

"Vừa phải có quy định bảo vệ người tố cáo, vừa phải quy định khen thưởng thật xứng đáng nếu họ tố cáo đúng, vạch trần những vi phạm pháp luật" - ông Dũng đề nghị. 

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Có trường hợp thách thức dân "muốn kiện đâu thì kiện"