Cho phép sáp nhập các đại học nhỏ thành đại học quy mô lớn

19/11/2018 21:10

Nội dung đáng chú ý của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 19.11 là luật mới sẽ cho phép các đại học nhỏ tự sáp nhập lại với nhau để tăng cạnh tranh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua dự án luật tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Không quy định cứng nhắc mô hình đại học hai cấp

Giải trình ý kiến đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở giáo dục đại học là trường đại học, xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo hai cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học… 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mô hình, tên gọi cơ sở giáo dục đại học trên thế giới rất đa dạng, không có sự đồng nhất giữa các quốc gia, khu vực hoặc ngay trong bản thân từng nước. 

Mô hình đại học ở nước ta đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp. 

Xuất phát từ quan điểm xây dựng luật phải phù hợp với xu hướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, bảo đảm ổn định và tạo điều kiện cho phát triển hệ thống, dự thảo luật quy định hai mô hình là trường đại học và đại học, trong đó đại học được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đang tồn tại, hoặc từ một trường đại học tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.

Từ đó, dự thảo luật quy định cơ sở đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng. 

Đào tạo chính trị trong các chương trình liên kết là bắt buộc

Về ý kiến đề nghị bắt buộc có các môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc trong chương trình liên kết đào tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nguyên tắc liên kết đào tạo là bên nào có thẩm quyền cấp bằng thì bên đó có quyền quy định nội dung chương trình đào tạo.

Theo đó, các chương trình liên kết đào tạo trình độ giáo dục đại học được thực hiện tại Việt Nam, do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cấp bằng hoặc cùng cấp bằng thì có quy định các môn học trên trong chương trình đào tạo. 

Việc bổ sung các kiến thức chính trị, cơ sở lý luận đối với các sinh viên học chương trình nước ngoài sẽ được yêu cầu và triển khai tiếp tục trong quá trình phát triển và làm việc của sinh viên tại Việt Nam. 

Về chủ sở hữu đại học, dự thảo luật phân biệt rõ hai loại hình là trường công lập và trường tư thục. Trường công lập do Nhà nước đầu tư thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo quy định.

Hội đồng trường (trong trường công lập) được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của cơ sở giáo dục đại học như định hướng phát triển trường, quyết định về cơ cấu tổ chức, tham gia quyết định nhân sự chủ chốt trong trường cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật. 

Còn trường tư thục do nhà đầu tư là tổ chức, tập thể hoặc tư nhân thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên nhà đầu tư có quyền tham gia vào hội đồng trường để tác động đến tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các thiết chế trong nhà trường thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. 

Dự thảo luật quy định cũng cho phép tổ chức pháp nhân phi thương mại trong nước thực hiện xếp hạng đại học nhằm tránh việc lợi dụng hoạt động xếp hạng để tiến hành các hoạt động thương mại vì lợi nhuận, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở đại học. 

Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam, khẳng định đây là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Phải gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ

Các dự thảo Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi cũng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Theo Luật Chăn nuôi, lần đầu tiên luật pháp Việt Nam quy định rất cụ thể về đối xử nhân đạo với vật nuôi. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; Cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; Không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho phép sáp nhập các đại học nhỏ thành đại học quy mô lớn