Đề xuất bỏ phương thức quản lý cư trú qua sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.7.2021

21/10/2020 14:22

Nội dung quy định về thời hạn giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận từ các đại biểu Quốc hội...


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc sáng ngày 21.10

Sáng 21.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi). 

Đa số đại biểu đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021. Có ý kiến đề xuất cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo đã có lộ trình, quyết tâm và đề xuất triển khai ngay, không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực; theo đó sẽ bỏ phương thức quản lý qua sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.7.2021.

Băn khoăn về quy định chuyển tiếp

Nội dung được quan tâm trong dự án luật này là chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới, tiến tới không dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị trong dự thảo luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân. Bởi mặc dù việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới là rất cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành (1.7.2021), nhưng trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối liên thông giữa các Bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện, khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.

Việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, ổ tạm trú sẽ tránh được việc phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành. Những nơi đã hoàn thành việc kết nối liên thông, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, có ý kiến vẫn còn lo ngại rằng thời điểm 31.12.2022 có thể vẫn chưa bảo đảm để hoàn tất việc kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội, nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này.

Một số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 9 là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021 vì cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ. Quy định như vậy sẽ tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ ngày 1.7.2021.

Do ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép thiết kế nội dung này thành hai phương án tương ứng với hai loại ý kiến nêu trên tại khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.


Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Góp ý về dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá, dự thảo luật đã giảm được nhiều thủ tục hành chính, quy trình, trình tự thủ tục về cư trú, đã bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân và rút ngắn thời gian đăng ký, tối đa chỉ có 7 ngày, trong khi trước kia là 15 ngày. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan vẫn băn khoăn về cả hai phương án được đưa ra lấy ý kiến.

"Tôi thấy băn khoăn cả hai phương án, đối với phương án 1, nếu đến tháng 31.12.2022 mới áp dụng toàn bộ phương thức đổi mới, tôi e là quá muộn, ta sẽ không theo kịp được hội nhập quốc tế và sự chuyển mình của cuộc cách mạng công nghệ và không theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo phương án 2, chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, Bộ Công an, coi đây là sự đột phá trong quản lý cư trú. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là rất lớn từ Chính phủ, các địa phương và cả người dân. Lượng khối lượng công việc rất lớn, việc chuẩn bị cơ sở kỹ thuật hạ tầng phải chuẩn bị tốt để chuyển đổi phương thức quản lý về cư trú" - đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an rà soát về nhân lực, vật lực để xác định thời điểm áp dụng cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao nhất của Luật; đồng thời phải nỗ lực, quyết tâm cao để có thể đổi mới, áp dụng phương thức quản lý mới.


Đề xuất triển khai ngay, không quy định về chuyển tiếp 

Phát biểu giải trình, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cư trú hướng đến 3 mục tiêu: đảm bảo yêu cầu để không cản trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý cho công dân trên lãnh thổ Việt Nam, để thực hiện các giao dịch và phục vụ cuộc sống. Việc quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước không được làm phiền hà, phức tạp, để tạo điều kiện cho người dân. 

Về vấn đề chuyển tiếp khi luật có hiệu lực, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đề nghị phương án: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1.7.2021; không có quy định về chuyển tiếp, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Phương án này, cơ quan soạn thảo đã đối chiếu với năng lực hoạt động và thực tiễn. "Nếu không dứt khoát được thời điểm, rất phiền phức cho người dân và cả cơ quan quản lý" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Đại tướng Tô Lâm, bỏ Sổ hộ khẩu giấy là điều mong ước của người dân. Thay đổi phương thức quản lý sẽ mang đến sự thay đổi, sự phấn khởi của người dân. Sổ hộ khẩu còn có rất nhiều điều khoản, quy định khác liên quan đi theo. Do đó, những quy định phương thức quản lý thay đổi, cả hệ thống phải thay đổi chứ không phải chỉ Sổ hộ khẩu. Đồng thời, các quy định về triển khai căn cước công dân cũng có hiệu lực từ 1.7.2021. Đến nay, hơn 90% dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã thu thập xong, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Mục đích là đến ngày 1.7.2021, các phương thức quản lý liên quan đến Sổ hộ khẩu, căn cước công dân triển khai đồng bộ. "Chúng tôi đã có lộ trình, bước đi và mạnh dạn đề xuất triển khai ngay, không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng dựa trên các cơ sở này, nếu Quốc hội giới hạn thời gian có hiệu lực như vậy, bắt buộc các Bộ, ngành phải phối hợp để hoàn thành.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đề xuất bỏ phương thức quản lý cư trú qua sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.7.2021