Cần tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật trí tuệ đi học hòa nhập

18/04/2018 11:40

​Trẻ khuyết tật trí tuệ thường mắc một số hội chứng như tự kỷ, tăng động, câm, điếc... nên gặp khó khăn khi học tập và giao tiếp xã hội.

Với trẻ khuyết tật trí tuệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có các quy định về  ưu tiên trong nhập học và tuyển sinh; miễn giảm một số nội dung môn học; miễn giảm học phí và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Đồng thời, lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, sử dụng phương pháp giáo dục đặc biệt mang tính động viên, khích lệ nhằm giúp các em phát triển, tự tin hòa nhập với bạn bè... 

Tuy nhiên, con đường hòa nhập của trẻ khuyết tật trí tuệ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn bởi những rào cản trong nếp nghĩ, phương pháp đánh giá về giáo dục, căn bệnh thành tích và tâm lý mặc cảm của phụ huynh. Một giáo viên mầm non tại TP Hải Dương bộc bạch: “Theo quy định, trẻ mầm non phải trải qua kiểm tra sát hạch để cấp giấy chứng nhận chuyển lên học tiểu học. Một số gia đình có con khuyết tật trí tuệ xin ưu tiên cho cháu điểm đánh giá cao hơn so với  thực lực để cháu đủ tiêu chuẩn. Khi có các đoàn kiểm tra về chúng tôi đều báo trước để phụ huynh cho cháu nghỉ ở nhà". 

Theo Bệnh viện Nhi Hải Dương, cứ 150 trẻ đến khám thì có 1 trẻ bị khuyết tật trí tuệ như tự kỷ, down, chậm phát triển… và con số này đang tăng. Tuy nhiên, Hải Dương hiện vẫn chưa có một trường công lập, một bộ sách vở hoặc chương trình giáo án dành riêng cho trẻ  khuyết tật trí tuệ, dẫn đến tình trạng quá tải ở các cơ sở mầm non tư thục dành cho trẻ khuyết tật vốn đang ít ỏi. Trong tổng số  600 trường mầm non và tiểu học thì chỉ có khoảng 10 trường dạy trẻ khuyết tật, tập trung chủ yếu  ở TP Hải Dương và Khoa Phục hồi chức năng dành cho trẻ tự kỷ (Bệnh viện Nhi Hải Dương). 

Trẻ khuyết tật trí tuệ  chia làm hai mức độ: có thể hòa nhập và không thể hòa nhập. Với những trẻ có khả năng hòa nhập, việc xin vào học tại các trường tiểu học phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân của cha mẹ vì đa số các trường muốn từ chối, nếu nhận thì giáo viên không muốn dạy vì lo ảnh hưởng đến thành tích chung. Thậm chí có giáo viên  đề nghị phụ huynh chuyển trường, chuyển lớp cho con. Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TPHải Dương) hiện có trên 30 học sinh khuyết tật theo học, cao nhất TPHải Dương và cả tỉnh, song chế độ đãi ngộ, khen thưởng giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ rất ít.

Để trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập dễ dàng hơn cần thành lập lớp đặc biệt  cho trẻ tại các trường tiểu học, có cơ chế để đưa các giáo viên giáo dục đặc biệt vào hỗ trợ trẻ. Mặt khác, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp và tạo cơ chế chính sách để các trường “dám” nhận học sinh khuyết tật trí tuệ mà không sợ ảnh hưởng đến thành tích chung.   

BÙI THU HẰNG (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật trí tuệ đi học hòa nhập