Cán bộ cấp chiến lược phải có sức đề kháng vượt lên cám dỗ

16/05/2018 15:18

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ về công tác cán bộ.

Vượt lên cám dỗ

Một trong những giải pháp được nghị quyết Trung ương 7 đề ra là thực hiện việc bí thư tỉnh uỷ không phải là người địa phương. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải triển khai ngay nội dung này. Ông có nhận định gì?

Tôi cho điều đó là hết sức quan trọng. Nếu bí thư không phải người địa phương sẽ không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ họ hàng, thân quen.

nhóm lợi ích,Đinh La Thăng,Trịnh Xuân Thanh,Nguyễn Xuân Anh,cán bộ cấp chiến lược,Trung ương 7,lãnh đạo tỉnh,Bí thư tỉnh
PGS.TS Vũ Văn Phúc

Khi đó, bí thư không bị lợi ích của cá nhân, dòng tộc, lợi ích của người thân quen, cánh hẩu chi phối. Họ toàn tâm toàn ý cho phát triển địa phương, công việc lãnh đạo, điều hành ở địa phương sẽ khách quan, công tâm, minh bạch hơn.

Được như vậy thì địa phương đó sẽ phát triển và có lợi cho địa phương hơn.

Tuy nhiên, đồng thời với giải pháp này cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Ví dụ, Trịnh Xuân Thanh đi luân chuyển về Hậu Giang nhưng vẫn bị lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân chi phối, mặc dù anh ta không phải người địa phương nhưng vẫn làm những điều khuất tất, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, giải pháp cốt lõi là từng cán bộ đảng viên, lãnh đạo phải tự rèn luyện phấn đấu, có sức đề kháng vượt lên chính mình khỏi cám dỗ của đồng tiền, cám dỗ từ mặt trái của xã hội.

Còn người lãnh đạo mà không vượt lên được chính mình, không tự rèn luyện, không vượt lên khỏi những cám dỗ của đồng tiền, của địa vị, của những lợi ích nhóm chi phối thì không xứng đáng là người lãnh đạo cấp chiến lược, dù anh không phải là người địa phương ở đó. 

Tôi đã làm lãnh đạo địa phương, tôi biết có rất nhiều nhóm lợi ích, những chủ doanh nghiệp, đối tượng khác nhau vây quanh, chi phối. Nếu người làm lãnh đạo không vượt lên được chính mình, vượt lên được những lợi ích đã và sẽ chi phối thì vẫn bị sa ngã. 

Người đứng đầu giới thiệu, tập thể khó làm ngược

Với hàng loạt giải pháp đề ra trong nghị quyết Trung ương 7 vừa thông qua về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, theo ông, giải pháp nào nên được triển khai đầu tiên để xử lý trước hết tình trạng chạy chức, chạy quyền? 

Muốn chống được chạy chức, chạy quyền, theo tôi phải có chế tài nghiêm để ngăn người muốn chạy không chạy được và người có quyền lực nắm ghế nọ, ghế kia được nhiều người nhòm ngó cũng không bán được. Muốn vậy, Trung ương phải có quy định về công tác cán bộ công khai, minh bạch hơn.

nhóm lợi ích,Đinh La Thăng,Trịnh Xuân Thanh,Nguyễn Xuân Anh,cán bộ cấp chiến lược,Trung ương 7,lãnh đạo tỉnh,Bí thư tỉnh
Đề xuất bí thư tỉnh, huyện phải là người địa phương khác nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc

Minh bạch nghĩa là giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND hoặc ĐBQH, giới thiệu để bổ nhiệm cán bộ vào chức vụ lãnh đạo phải có nguyên tắc công khai, minh bạch cho toàn dân biết để giám sát hoặc cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị giám sát và thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của họ.

Ví dụ, muốn bổ nhiệm một người vào vị trí nào đó thì để toàn thể cán bộ, công nhân viên chức bỏ phiếu chọn người trước khi cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị đó chọn. Đó là ý kiến của đại cử tri.

Anh phải dùng ý kiến này và tôi tin là ý kiến của nhân dân, của đại cử tri sẽ sáng suốt. Lãnh đạo cơ quan và cấp uỷ lựa chọn trong số những người được phiếu cao nhất của đại cử tri mà bổ nhiệm. Quy trình, theo tôi, phải như thế mới chặt chẽ. 

Theo tôi, quy trình đó sẽ giúp mọi việc công khai, chứ từ trước tới nay chúng ta đang làm ngược lại quy trình này, tức người đứng đầu lựa chọn rồi giới thiệu ra trước tập thể cấp uỷ và cơ quan để nhận xét, đánh giá và bầu.

Tôi xin nói là những trường hợp người đứng đầu đã giới thiệu rồi thì như một phép bảo đảm, tập thể lãnh đạo và cấp uỷ khó có thể làm trái, làm ngược được. Vậy thì cần làm ngược lại quy trình để giảm thiểu tác động này. 

Thứ 2, tổ chức thi tuyển các chức vụ lãnh đạo và ứng cử viên được tham gia thi tuyển phải rộng rãi, cả ở trong và ngoài cơ quan. Hội đồng chấm thi tuyển cũng phải công khai minh bạch, là những người có tầm, có uy tín. 

Đề án xây dựng cán bộ cấp chiến lược vừa được Trung ương  thông qua để ban hành nghị quyết có đề cập việc xem chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Theo ông, có nên tiến tới xử lý hình sự đối với những người có hành vi chạy chức, chạy quyền?

Việc chạy chức, chạy quyền là một biểu hiện, một hình thái của tham nhũng. Nếu chúng ta có chứng cứ đầy đủ thì phải xử lý hình sự. Đây thực chất là việc mua bán quyền lực, chức vụ, cần xử lý nghiêm như các hành vi tham nhũng khác.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Cán bộ cấp chiến lược phải có sức đề kháng vượt lên cám dỗ