​Biểu tượng bất tử

13/05/2018 08:23

Những ngày giữa tháng 5 này, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương có chuyến thăm, làm việc với quân, dân quân đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.


Đoàn công tác của tỉnh thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh bảo vệ đá Gạc Ma


Trước khi lên tàu ra đảo, đoàn đã đến viếng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). 

Thắp nén nhang tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Gạc Ma, các thành viên trong đoàn nghẹn ngào thầm khấn: “Mong các anh hãy yên giấc ngàn thu, tên tuổi các anh sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Hương hồn các anh trên trời linh thiêng phù hộ cho linh khí quốc gia, dân tộc, phù hộ cho các thế hệ tiếp theo sức mạnh để bảo vệ biên cương, hải đảo của Tổ quốc”.


Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác của tỉnh ghi sổ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là ý nguyện, sự đóng góp của nhân dân cả nước. Đây là nơi để 64 anh hùng chiến sĩ được yên nghỉ, nơi để gia đình, thân nhân của các anh về viếng người thân của mình, nơi để người dân cả nước luôn hướng về “64 bông hoa biển bất tử”. "Trái tim" khu tưởng niệm là cụm tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma. 

Khu tưởng niệm còn có bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu mộ gió của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ của các anh. Các anh ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc khi tuổi đời còn quá trẻ.


Các anh ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc khi tuổi đời còn quá trẻ

Cách đây 30 năm, ngày 14.3.1988, quân xâm lược Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuộc chiến đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. 

Trong giờ phút sinh tử ấy, giữa họng súng quân thù, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Vòng tròn ấy đã trở thành biểu tượng bất tử về ý chí quật cường, về tinh thần đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 64 người lính đã anh dũng hy sinh. 


“Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Gạc Ma

30 năm đã trôi qua. Máu đào và xương cốt của các anh hòa vào biển cả, hòa vào những ngọn sóng bạc đầu, lúc nổi lên giữ dội, lúc hiền hòa lặng lẽ.

Sau trận Gạc Ma, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam tiếp tục chiến đấu dũng cảm, kiên quyết đấu tranh để giữ lại các đảo Cô Lin và Len Đao, buộc quân xâm lược Trung Quốc phải lùi bước. Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã được giữ tung bay trên Cô Lin và Len Đao cho tới ngày nay.

Đá Gạc Ma nằm ở vị trí chiến lược, cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý, đánh dấu đầu mút phía tây nam của cụm đảo Sinh Tồn. 
Ý đồ của Trung Quốc chiếm giữ Gạc Ma để khống chế đường qua lại của quân ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Từ đá Gạc Ma cho đến đá Vành Khăn ở phía đông cách nhau khoảng 170 km, chúng nằm trên một vĩ tuyến, từ Chữ Thập cho đến Vành Khăn. 
Trung Quốc muốn tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang biển Đông, cài răng lược với các đá, đảo mà Hải quân Việt Nam đang bảo vệ.

PHƯƠNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Biểu tượng bất tử