Sính hàng ngoại rước hại vào thân

31/10/2017 15:00

Mặc dù giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với hàng sản xuất trong nước nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền mua hàng ngoại...


Lực lượng quản lý thị trường tỉnh vừa tiêu hủy nhiều giày nhập ngoại rởm nhái thương hiệu Adidas

Thật giả lẫn lộn

Một cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng Nhật Bản xách tay trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) vừa mới khai trương đã đông nghịt người đến mua sắm. Không tiết lộ doanh thu nhưng chủ cửa hàng này cho biết buôn bán hàng ngoại sẽ đem lại lợi nhuận lớn bởi nhiều sản phẩm, nhất là đồ gia dụng bán rất chạy. Chủ cửa hàng này cho biết, ngay ở TP Hải Dương đã có tới hơn chục cửa hàng bán hàng Nhật Bản xách tay nhưng không phải cửa hàng nào cũng bán hàng xịn.

Theo một số người chuyên bán hàng mỹ phẩm xách tay ở TP Hải Dương, muốn bán được hàng ngoại rởm phải mất hơn 1 năm để "câu" khách. Khi khách hàng đã quen mối thì chủ hàng sẽ trộn hàng fake (hàng nhái). Hàng ngoại rởm có thể đặt mua dễ dàng tại một đại lý chuyên cung cấp hàng nhái tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Muốn làm nhái loại nào chỉ cần gửi mẫu để đặt đại lý này gia công. Khả năng gia công của họ khá tinh vi nên rất khó phát hiện. Giá nhập hàng ngoại nhái chỉ bằng 3/10 hàng ngoại xịn. Mỹ phẩm (nhất là hàng Hàn Quốc, Nhật Bản) được làm giả hàng ngoại nhiều nhất vì ít khách hàng đem đi kiểm nghiệm chất lượng.

Không chỉ bát nháo về chất lượng, giá bán hàng ngoại cũng mỗi nơi một kiểu. Cùng một bộ dao của Đức, một cửa hàng trên phố Phạm Hồng Thái bán với giá 2 triệu đồng/bộ, trong khi một cửa hàng khác trên đường Mạc Thị Bưởi chỉ hơn 1triệu đồng (cùng thương hiệu và số lượng). Nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra nghi ngại về chất lượng của hàng ngoại nhưng vẫn cố mua vì tâm lý sính ngoại. Chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Hải Dương cho biết: "Trước đây mua hàng ngoại rất khó vì cả thành phố chỉ có 1-2 cửa hàng hàng bán. Gần đây tôi thấy hàng ngoại được bày bán phổ biến và đã có không ít cửa hàng bán đồ ngoại rởm”.

Người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại vì chất lượng tốt. Nhưng cũng từ nhu cầu sử dụng mặt hàng này lớn đã tạo cơ hội cho nhiều người làm ăn bất chính, sẵn sàng làm giả, làm nhái hàng ngoại để đánh lừa người tiêu dùng. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng: “Hàng ngoại làm giả rất tinh vi và thường bị trà trộn với hàng ngoại xịn nên rất khó phát hiện. Nhiều sản phẩm có đầy đủ tem nhãn và giấy tờ thông quan nhưng thực chất cũng là hàng giả được tuồn từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ”.

Người dùng lo lắng

Anh Nguyễn Văn Đô ở phố Hàm Nghi (TP Hải Dương) bức xúc vì đã phải bỏ ra hơn 500.000 đồng để mua một hộp bánh ngoại rởm tại một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay trên phố Mạc Thị Bưởi. Anh Đô kể: “Tôi về nhà mới không làm cỗ mặn nên hai vợ chồng mua một ít bánh kẹo ngon để mời khách. Bà chủ quán giới thiệu một hộp bánh Nga có giá hơn 500.000 đồng và quảng cáo là hàng xịn, ngon khó cưỡng, ăn một lại muốn ăn hai. Cứ tưởng là hàng xịn nên đợi có khách quý tôi mới bóc bánh ra mời. Nào ngờ, khi ăn bánh, tôi thấy có mùi hôi, khét và có vị đắng. Chất lượng như vậy nhất định là hàng rởm. Hôm sau mang ra góp ý, tôi mới biết chủ quán cũng là nạn nhân vì cũng bị lừa mua phải lô hơn 100 hộp bánh rởm".

Hàng xách tay chính hãng về cơ bản có chất lượng tốt nhưng vì hám lợi nên nhiều người đã tìm mọi cách đưa hàng giả, hàng nhái vào bán. Công  tác quản lý, kiểm soát mặt hàng này chưa chặt chẽ, triệt để. Quan trọng hơn là tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng đã tiếp tay cho hàng ngoại rởm hoành hành. Chị Nguyễn Thị Lan, một "tín đồ" của hàng ngoại ở ngõ 28 phố Điềm Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết, chỉ vì thích dùng hàng ngoại nên chị đã rước họa vào thân khi tháng trước con gái mới 5 tháng tuổi phải nhập viện. “Đặt mua hộp sữa Aptamil được quảng cáo là hàng xách tay xịn của Đức trên một trang mạng. Do đã mua nhiều lần ở đó nên tôi rất yên tâm. Khi cho con uống sữa bữa thứ nhất tôi thấy cháu đi ngoài. Cứ nghĩ do thay đổi thời tiết nên tôi tiếp tục cho uống bữa thứ hai. Sau bữa này bé đi ngoài nhiều lần và mất nước tôi mới cho đi viện, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân do chất lượng sữa không bảo đảm. Thấy vậy tôi về kiểm tra lại thì mới phát hiện phần nhãn hộp sữa có biểu hiện bị bóc đi dán lại. Phần sữa cuối hộp đã bắt đầu vón cục. Có lẽ hộp sữa này đã bị làm giả”, chị Lan nói.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện nay trên thị trường có 30 loại hàng ngoại thường xuyên bị làm giả. Trong đó đứng đầu là mỹ phẩm, tiếp đến là các loại sữa, bánh kẹo, rượu, đồ điện tử… Các sản phẩm này chủ yếu đội lốt hàng xách tay để dễ dàng qua mắt người dùng. Tâm lý sính ngoại đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh giành lại thị phần. Cuộc chiến chống hàng ngoại rởm của các cơ quan chức năng cũng hết sức khó khăn. Thay vì chuộng hàng ngoại, người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn hàng hóa do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất, giá cả phải chăng và bảo đảm chất lượng.


HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sính hàng ngoại rước hại vào thân