Vụ Benalla- cú hích cho Macron?

29/07/2018 22:00

Một số chính trị gia như lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon so sánh vụ này như một “Watergate” mới, có thể buộc Tổng thống phải từ nhiệm.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) trao đổi với vệ sĩ thân cận Alexandre Benalla tháng 6.2017. Ảnh: AFP.

“Vụ Benalla” xáo trộn đời sống chính trị Pháp tiếp tục là chủ đề hàng đầu của nhiều tuần báo. Tờ Le Point vấn nhấn mạnh vụ bê bối này cho thấy giới hạn của Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp, nhưng cũng có thể là một tiền lệ cho phép thúc đẩy minh bạch chính trị và quyền lực đối trọng. Còn L’Express lại tựa trang nhất với vẻ đầy châm biếm: “Vụ Benalla: Macron lo ngay ngáy”.

Nhìn nhận vụ việc một cách nghiêm túc, Le Point cho rằng “các cải cách lớn” mà Paris "ấp ủ" sẽ bị bê bối bất ngờ nói trên cản trở. Vụ Benalla được một số phương tiện truyền thông coi là “khủng hoảng chính trị đầu tiên” của Tổng thống Pháp. Một số người nói đến một “vụ việc ở tầm quốc gia đại sự”, thậm chí một số chính trị gia như lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon so sánh vụ này như một “Watergate” mới, có thể buộc Tổng thống phải từ nhiệm.

Xử lý “minh bạch”

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho đây là một bê bối chính trị nghiêm trọng. Theo Le Point, ở giai đoạn hiện tại nói “vụ Benalla” là chuyện quốc gia đại sự là “ngây ngô”. Trả lời phỏng vấn Le Point, Luật sư Patrice Spinosi làm việc tại Tham Chính viện (Tòa án hành chính tối cao của Pháp) và Tòa Phá án (Tòa án tối cao trong nhánh Tòa Tư pháp) nhấn mạnh vụ việc đang xử lý một cách “lành mạnh”, cho thấy “tính minh bạch” của nền Dân chủ tại Pháp. Tuy nhiên, vị luật sư này thừa nhận vụ Benalla phơi bày giới hạn của thể chế hiện hành. Luật sư giải thích Hiến pháp hiện hành không buộc Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cũng có nghĩa là một ủy ban của Quốc hội không thể yêu cầu Tổng thống trực tiếp ra điều trần, do nguyên tắc “phân chia quyền lực”. Quy định này ngăn cản Quốc hội “đi xa hơn” trong điều tra.

Bị tình cảm lấn át?

Không gọi vụ Benalla là “một Watergate”, nhưng Le Point lưu lý là vụ Benalla xảy ra đúng vào một thời điểm hết sức oái oăm khi ông Macron ông đang chuẩn bị giai đoạn 2 của cải cách, trong đó có cải cách Hiến pháp. Vì vậy, vụ việc này “đặt ra nhiều câu hỏi về phương thức thực thi quyền lực của Emmanuel Macron”. Theo đó, khả năng Tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị nhiều hơn trước Quốc hội, cụ thể với việc trực tiếp trả lời các chất vấn thường niên của Quốc hội lưỡng viện.

Theo Le Point, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do “nỗi ám ảnh về an ninh đối với đời sống riêng tư của tổng thống đã được quản lý kém”. Không tin cậy lực lượng cảnh sát chuyên trách, Tổng thống Macron đã phó thác những bí mật riêng tư của mình và gia đình cho người vệ sĩ riêng. Những hành xử “sai lệch”, dù chưa đến mức phạm pháp của nhân vật này, đã không được xử lý kịp thời.

Thay đổi “tập quán” chính trị để tăng quyền lực đối trọng

Vấn đề chủ yếu hiện nay là vai trò đối trọng của Quốc hội. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi phe chiếm đa số trong Quốc hội không làm tròn trách nhiệm do Hiến pháp quy định vì bị đặt dưới áp lực của Chính phủ cùng đảng. Luật sư Spinosi ghi nhận vụ Benalla, do được truyền thông loan tải rộng rãi, đã “gây trở ngại” cho hoạt động của tổng thống, buộc đảng cầm quyền phải nhanh chóng thành lập ủy ban điều tra (Ủy ban điều tra của Quốc hội được lập ra ngày 19.7, chỉ một ngày sau khi vụ việc được Le Monde tiết lộ).

Luật sư của Tham Chính viện Pháp gợi ý nên coi vụ Benalla là “một tiền lệ”, để thúc đẩy thay đổi “tập quán” chính trị, khiến cho Quốc hội “đảm nhiệm đầy đủ vai trò” Hiến định của mình. Việc công bố nội dung các tranh luận và điều trần là một ví dụ. Luật sư Spinosi cũng đặc biệt nhấn mạnh là cuộc cải cách Hiến pháp mà Tổng thống Pháp chủ trương hiện nay cũng đang hướng đến việc trao nhiều quyền hạn hơn cho các ủy ban của Quốc hội, có vai trò quyết định trong việc kiểm soát hoạt động của Chính phủ. Đây là điều chúng ta có thể thấy qua việc xử lý vụ Benella hiện nay.

Cải cách lớn đợi Macron

Benalla là một khủng hoảng, nhưng không thể để vụ khủng hoảng này lấn át các mục tiêu cải cách chính trị lớn là thông điệp chính của Le Point. Bài nhận định “Jupiter cần phải làm tốt hơn” (Jupiter hay chúa tể của các vị thần - theo thần thoại La Mã cổ đại - là một biệt danh của Tổng thống Pháp Macron). Bài viết có đoạn: “15 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Macron là thực sự mang lại hứa hẹn, tuy nhiên các công trình còn dang dở. Mà trong chính trị, các sự nghiệp dang dở ít được hưởng ứng hơn là trong văn học” (văn học là một lĩnh vực ưa thích của Emmanuel Macron).

Các hồ sơ cải cách lớn đang chờ đợi Tổng thống Pháp là chủ đề một bài phân tích khác của Le Point. Le Point dẫn lại nhận định của kinh tế gia Delia Velculescu (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), ca ngợi nước Pháp đang trở thành người đi đầu trong các cải cách tại châu Âu. Các cải cách được đặc biệt chú ý là Luật Lao động, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, đào tạo, ngân sách công. Tuy nhiên, hàng loạt lĩnh vực cần cải cách vẫn đang ngổn ngang.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ Benalla- cú hích cho Macron?