Tin tặc Trung Quốc tấn công Campuchia trước thềm bầu cử

11/07/2018 14:58

Công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở tại California (Mỹ) tiết lộ tin tặc Trung Quốc đã tấn công nhằm vào một số cơ quan chính phủ chủ chốt của Campuchia ngay trước thềm tổng tuyển cử.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) bắt tay với Bộ trường Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Phnom Penh hôm 18.6

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, báo cáo ngày 11.7 nói rằng trong số các mục tiêu có một cái tên đáng chú ý là Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC).

FireEye cho biết nhóm tin tặc trên có tên TEMP.Periscope, được cho hoạt động theo chỉ thị của chính quyền Bắc Kinh. Ngoài NEC, chúng đã cố truy cập vào mạng lưới máy tính bên trong nhiều bộ ngành của Campuchia.

Ông Kevin Mandia - giám đốc điều hành của FireEye và từng là thành viên của Không quân Mỹ, nhận định: "Các vụ tấn công mạng sẽ giúp họ đánh cắp các tập dữ liệu và biết được những gì đang diễn ra trên chiếc máy tính đó".

Ông Wang De Xin - người đứng đầu bộ phận chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc ở Campuchia và ông Ma Yuan Chun - giám đốc Bộ phận quan hệ truyền thông đối ngoại của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện không đồi đáp trước đề nghị phỏng vấn liên quan cáo buộc.

Bộ Ngoại giao Campuchia và NEC hiện chưa lên tiếng. Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan nói rằng các vụ tấn công mạng như trên ít thấy ở nước này, nhưng sẽ bị lên án mạnh mẽ nhất.

"Tấn công mạng là chống lại an ninh quốc gia của Campuchia. Chúng tôi lên án điều này. Nó đi ngược lại luật pháp của Campuchia, với bất kỳ nhóm nào - Trung Quốc, Mỹ hay EU" - ông Siphan tuyên bố.

Vị quan chức này cũng nói rằng ông nghi ngờ Trung Quốc sẽ đứng sau một chiến dịch tình báo như vậy, nhưng nếu một nhóm "hành động như thế, họ không phải là bạn, mà là đang lạm dụng tình bạn".

Lãnh đạo đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), ông Kem Sokha (áo trắng) bị bắt tại nhà riêng hồi đầu tháng 9.2017

Các cơ quan chính phủ không phải là mục tiêu duy nhất của nhóm tin tặc trên. Hoạt động bí mật gần đây của TEMP.Periscope được phát hiện sau khi nhóm này nỗ lực tấn công nhằm vào bà Kem Monovithya (sinh năm 1981) - con gái lớn của lãnh đạo đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), ông Kem Sokha

Ông Kem Sokha đã bị bắt giam hồi tháng 9.2017 vì tội phản quốc. Trong khi đó, vào trung tuần tháng 11.2017, Tòa án Tối cao Campuchia đã ra lệnh giải thể đảng CNRP, sau khi Bộ Nội vụ khẳng định đảng này âm mưu cùng một quốc gia bên ngoài lật đổ chính phủ

Để moi móc thông tin từ bà Monovithya, một tên tin tặc giả danh nhân viên tại tổ chức nhân quyền Licadho đã gửi email cho bà. Tuy nhiên, bà đã nhanh chóng nhận ra sự thật

"Người đó cứ bám theo tôi miết và trông như thật vậy" - con gái ông Kem Sokha kể lại

Bà Monovithya lúc đầu cho rằng tin tặc đang cố bám theo bà là do đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền phái đi moi móc thông tin. Tuy nhiên, bà cho biết vụ việc "gây phiền hà" vì vụ tấn công đến từ nước ngoài.

Theo bà, các vụ tấn công mạng nhằm vào những cơ quan chính phủ Campuchia vừa qua cho thấy mối nguy hiểm của việc quá lệ thuộc vào một quốc gia trong khi xa lánh những nước khác.

Những người ủng họ đảng đối lập CNRP tuần hành ở Phnom Penh hồi năm 2017

Liên quan tới vấn đề này, ông Paul Chambers - giảng viên tại Đại học Naresuan ở Thái Lan, đánh giá: "Ông Hun Sen đã xích quá gần Trung Quốc, do đó không thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào lúc này"

Trung Quốc hiện là nước cung cấp viện trợ kiêm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Theo báo SCMP, ông Hun Sen ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và cách xa các nước phương Tây.

Sau khi CNRP bị giải thể, đến cuối tháng 2.2018, Nhà Trắng đã thông báo cắt viện trợ quân sự và tạm dừng các chương trình hỗ trợ phát triển đối với Campuchia vì lý do có "sự thụt lùi về dân chủ". Theo Nhà Trắng, trong gần 30 năm qua, Mỹ đã viện trợ cho Campuchia lên tới 1 tỉ USD

Một cựu thành viên đảng CNRP, hai nhà ngoại giao, nhiều tờ báo của Campuchia và một số người Campuchia ủng hộ dân chủ và nhân quyền cũng trở thành mục tiêu trong loạt tấn công của tin tặc gần đây.

Hôm 9.7, Quốc hội Campuchia khóa 5 đã chính thức ngừng hoạt động sau thời gian 5 năm. Cuộc bầu cử quốc hội Campuchia dự kiến diễn ra vào ngày 29.7 tới. Một tháng sau đó, vào tháng 9.2018, Quốc hội Campuchia khóa 6 dự kiến được thành lập.


20 đảng phái chính trị tại Campuchia hôm 7.7 đã chính thức bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử. Đảng CPP của ông Hun Sen cũng đã đưa ra cương lĩnh tranh cử thúc đẩy đoàn kết dân tộc với nhiều hứa hẹn.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin tặc Trung Quốc tấn công Campuchia trước thềm bầu cử