Liệu sẽ có một Washington cô độc?

09/08/2018 14:51

Nhà Trắng và những ứng xử ngoại giao với đồng minh thời gian qua chẳng những khiến vị thế Mỹ suy giảm mà còn làm cho cường quốc này dần rơi vào thế cô độc.

Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Bắc Kinh dường như “hả hê” khi chứng kiến những căng thẳng tăng dần giữa Mỹ và đồng minh, đặc biệt qua chuyến công du của Tổng sthống Donald Trump tới châu Âu vừa qua. Những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đẩy lùi Bắc Kinh sẽ chững lại nếu không có sự ủng hộ từ các quốc gia đồng minh quan trọng, trước hết là tại châu Âu, nơi sự thất vọng với chính quyền Donald Trump còn lớn hơn sự lo ngại về một Trung Quốc bành trướng từ sức mạnh kinh tế.

Nếu những căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh kéo dài, Bắc Kinh có thể chiếm ưu thế từ nước cờ nhằm cô lập Washington với phần còn lại của cuộc chơi.

Giới phân tích chính trị tin rằng Trung Quốc từ lâu đã nhận ra rằng “đoàn kết với đồng minh” là lợi thế so sánh quan trọng nhất của Mỹ trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Sát cánh cùng đồng minh, Mỹ sẽ giành phần thắng. Ngược lại, vị thế siêu cường hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Trung Quốc đang khéo léo lôi kéo các đồng minh của Mỹ

Thực tế, Trung Quốc đã tung nhiều chiêu bài gây suy yếu sức mạnh nhằm “khuất phục” các quốc gia đồng minh Mỹ. Với Hàn Quốc, Bắc Kinh triển khai một chiến lược dài hạn nhằm trả đũa kinh tế. Động thái phản ứng lại quyết định lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Seoul. Bắc Kinh không tin vào cam kết từ liên minh Mỹ-Hàn rằng hệ thống này chỉ tập trung vào mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã thống nhất chuyển giao một khu đất tại phía nam Seoul cho chính phủ lắp đặt hệ thống THAAD. Ngay lập tức, Lotte bị buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vì những lý do liên quan đến cháy nổ. Ngành du lịch Hàn Quốc thời điểm đó “bốc hơi” trên 5 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch Trung Quốc. Nhìn chung, xuất khẩu Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc giảm 13 tỷ USD từ 2015 đến 2016. Trước bối cảnh đó, tháng 10.2017, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đưa ra tuyên bố Seoul sẽ tạm dừng triển khai lắp đặt hệ thống THAAD. Seoul và Bắc Kinh đồng ý cùng triển khai các hoạt động ngoại giao nhằm nối lại mối quan hệ.

Australia phải đối mặt với nhiều vấn đề từ sự rạn nứt nội bộ. Hồi cuối tháng 11.2017, lãnh đạo Công đảng Australia (ALP) đối lập đã cách chức ông Sam Dastyari khỏi các vị trí trong thượng viện nước này liên quan tới những bình luận của ông này về chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với Philippines, Trung Quốc đang từng bước “chiếm tình cảm” của Tổng thống Rodrigo Duterte. Bắc Kinh đã tung nhiều “chiêu bài” khác nhau, từ cam kết đầu tư cho các thương vụ mua bán vũ khí, nhằm gây áp lực trở lại với các tuyên bố về chủ quyền lãnh hải của Manila.

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây chia rẽ Mỹ và khối đồng minh không chỉ diễn ra tại châu Á. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tận dụng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tưởng Đức Angela Merkel vừa qua như một cơ hội “thắt chặt” mối quan hệ với Berlin. Ông Tập Cận Bình và bà Angela Merkel đã cam kết những bước phát triển chung nhằm tăng cường hệ thống quan hệ đa phương, chống lại chủ nghĩa biệt lập.

Các báo cáo của Nhà Trắng cho thấy Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” đối với sự thịnh vượng và an ninh lâu dài của Mỹ. Tuy nhiên, một loạt những rạn nứt và bất đồng mà chính quyền Donald Trump gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự liên kết giữa cường quốc này với khối đồng minh. Điều này vốn dĩ Washington cần “nâng niu” nhằm chiếm ưu thế trên bàn cờ địa chính trị với Bắc Kinh.

Tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng minh Mỹ dường như không còn mặn mà “tiếp đón” lực lượng quân đội Mỹ, dẫn tới sự hiện diện quân sự Mỹ tại các khu vực xung quanh Trung Quốc sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Trên phạm vi toàn cầu, các dấu hiệu gần đây cho thấy sự suy giảm về mức độ chia sẻ thông tin tình báo cũng như các chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng trong liên minh Mỹ.

Rạn nứt kinh tế cũng đã xuất hiện giữa Mỹ và một số đồng minh then chốt, cũng là những đối tác thương mại quan trọng như Anh, Canada, Nhật Bản và Đức. Xung đột gần đây với nhóm đồng minh này có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng lòng tin và các khoản tiền đầu tư vào Mỹ, thời điểm mà Washington cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để cạnh tranh với Trung Quốc. Trong bối cảnh chính quyền Donald Trump tìm mọi cách nhằm “hãm phanh” đầu tư của Bắc Kinh vào các lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm, thì điều tương tự đã không xảy ra tại các quốc gia đồng minh.

Trên bàn cờ địa chính trị chiến lược Mỹ - Trung, Washington không thể trông mong rằng đồng minh sẽ “tự động” liên kết nhằm chống lại Trung Quốc. Thực tế cho thấy có rất ít quốc gia sẵn sàng theo Mỹ trong nỗ lực nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Tính chiến lược trong kế hoạch Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn được kỳ vọng đưa Mỹ kết nối mạnh mẽ hơn với khối đồng minh khu vực vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Toan tính về một “nước Mỹ cô độc” đang ngày càng hiện hữu trong từng bước đi của Bắc Kinh. Thế giới với một liên minh suy yếu thực sự đang trở thành “cơn ác mộng chiến lược” mà Donald Trump cần tìm cách loại bỏ.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liệu sẽ có một Washington cô độc?