Giai đoạn khốc liệt mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

19/09/2018 08:55

Các biện pháp áp thuế bổ sung của Mỹ được công bố đang khiến cơ hội đối thoại giữa hai bên trở nên mờ mịt.


Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp

Câu chuyện dài kỳ mang tên "cuộc chiến thương mại" Mỹ-Trung đã bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm từ công nghệ như Internet, điện tử, bảng mạch in đến các mặt hàng tiêu dùng, hải sản, hóa chất, túi xách đến xe đạp, đồ trang sức và đồ nội thất...

Phản ứng tức thì của Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng vào ngày 24.9 tới, thời điểm mức thuế mới của Mỹ có hiệu lực, cũng phát đi một thông điệp cứng rắn, cho thấy "cuộc đấu" giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa thể sớm có điểm dừng.

Mặc dù Tổng thống Trump nhiều tháng trước đã đe dọa áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD từ Trung Quốc, song thời điểm công bố quyết định này được cho là nhắm tới nhiều mục tiêu. Đây không chỉ là động thái thể hiện quan điểm dứt khoát của Washington giải quyết tình trạng mà Mỹ coi là "bất bình đẳng thương mại" với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà còn là hành động gia tăng sức ép với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.

Một trong những lý do Nhà Trắng đưa ra để giải thích cho quyết định của Tổng thống Donald Trump, là kết quả cuộc điều tra mới đây nhất cho thấy Trung Quốc "có một loạt chính sách cũng như hoạt động không công bằng" liên quan đến sở hữu trí tuệ và công nghệ, mà Washington coi như "vi phạm các cam kết mở cửa thị trường và làm suy yếu vai trò đầu tàu của ngành công nghiệp Mỹ". Cùng với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD đã bị áp thuế từ hồi tháng 7, quyết định mới của Washington khiến một nửa trong tổng số hàng hóa của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ chịu mức thuế cao.

Các biện pháp áp thuế bổ sung của Mỹ được công bố ngay sau khi Washington chủ động mời Trung Quốc trở lại đàm phán thương mại để giải quyết bất đồng, đang khiến cơ hội đối thoại giữa hai bên trở nên mờ mịt. Giới chức Trung Quốc đã mô tả quyết định áp thuế của Mỹ là "hủy hoại" bầu không khí thương lượng. 

Một số ý kiến cho rằng thành công của những biện pháp mạnh tay trong đàm phán với Mexico hay Hàn Quốc có lẽ đã “khuyến khích” Tổng thống Trump duy trì một chiến lược thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc, ngay cả trong bối cảnh các trao đổi gần đây giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến nhiều người lạc quan rằng quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế đang trên đà hòa dịu trở lại.

Theo nhà nghiên cứu Steve Moore thuộc Quỹ Di sản Mỹ, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có nhiều biểu hiện khả quan và Washington gần như chắc chắn đạt được thỏa thuận thương mại mới với một số đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Canada... rõ ràng so với 3 tháng trước, Mỹ đang có lợi thế hơn nhiều trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Và đây có thể là yếu tố khiến Mỹ gia tăng sức ép đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á này. 

Tuy nhiên, việc Mỹ đưa ra mức thuế 10% áp dụng từ ngày 24/9, sau đó kể từ ngày 1.1.2019 sẽ nâng lên mức 25%, là hoàn toàn có chủ ý cụ thể. Trước hết, khoản thuế ban đầu ở mức 10%, không quá cao để hạn chế những ảnh hưởng mà người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải gánh chịu trước mùa mua sắm sôi động thường niên tại quốc gia này. Thứ hai, điều này cũng giúp phe Cộng hòa có thêm sự ủng hộ của cử tri trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Hơn nữa, mức thuế tương đối thấp trong quyết định lần này có thể là cách thức được Mỹ chọn lựa để duy trì cánh cửa đối thoại với Trung Quốc. Trong bối cảnh một số công ty Mỹ ở Trung Quốc và người tiêu dùng Mỹ bắt đầu phải gánh chịu những hệ quả từ những căng thẳng thương mại leo thang này, động thái “gây hấn” với Bắc Kinh cũng sẽ không có lợi đối với Mỹ. Vấn đề là tính toán này của Mỹ chỉ đạt kết quả khi Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ, mà cho tới nay Bắc Kinh tỏ ra chưa sẵn sàng.

Ở một khía cạnh khác, việc Mỹ liên tục áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc còn được cho là một công cụ để Washington gây áp lực nhằm cản trở Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh lớn hơn giữa hai cường quốc trên trường quốc tế. Giới phân tích nhận định Chính quyền Mỹ muốn ngăn cản Trung Quốc trở thành một cường quốc khoa học và công nghệ toàn cầu. Quan trọng hơn, Washington muốn ngăn Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng tới mức có thể "soán ngôi" nền kinh tế số một thế giới của Mỹ. Đây có thể là lý do khiến Tổng thống Donald Trump không ngừng leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sắp tới ở Mỹ. 

Phản ứng đầu tiên của thị trường thế giới phản ánh những mối lo ngại lớn hơn. Trong phiên giao dịch ngày 18.9, giá dầu mỏ tại thị trường châu Á đi xuống. Theo ông Wang Xiao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu thô của Guotai Junan Futures, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tác động tới giao thương và đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ dầu thô của hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này. Chuyên gia Gary Hufbauer, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, gọi đây là một đòn giáng mạnh vào các thị trường tài chính vốn rất khó kiểm soát trước những rủi ro thương mại này....

Trong khi đó, giới chuyên gia của quỹ Korea Investment Corporation, Hàn Quốc còn đi xa hơn khi cảnh báo cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, xuất phát từ nguy cơ những cú sốc kinh tế ở Trung Quốc do cuộc chiến thương mại này sẽ kéo các thị trường mới nổi đi xuống. Lâu nay, sự năng động của các nền kinh tế mới nổi được cho là chủ yếu phụ thuộc vào các chỉ số hoạt động của Trung Quốc, hiện là nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới, nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu thô, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.

Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang trong năm nay gây lo ngại bởi nó được coi là chỉ dấu về "chu kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính 10 năm", như nghiên cứu của các nhà kinh tế học. Tròn 10 năm trước, thế giới từng trải qua khủng hoảng tài chính 2007-2008 mà sức ảnh hưởng của nó được cho là mạnh hơn cuộc khủng hoảng giai đoạn 1997-1998, hay 1987. Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể "đình chiến" đương nhiên kéo cả nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy bất ổn khó lường.

Trong bối cảnh các động thái trả đũa thuế quan đang tiếp tục được tính đến, các nhà chiến lược cho rằng khả năng các cuộc đàm phán được đề xuất nhằm làm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nước trước bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới, rất khó đạt kết quả, thậm chí một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung càng xa vời. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung một khi đã bước vào giai đoạn quyết liệt hơn, thì nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu theo chu kỳ 10 năm chưa thể loại trừ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giai đoạn khốc liệt mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung