Đối thoại Mỹ-Triều: Triển vọng mong manh

24/05/2018 07:52

Mỹ và Triều Tiên đã có một sự khởi đầu suôn sẻ khi Tổng thống Donald Trump nhận lời mời đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, ngay sau khi hai bên cùng đang hướng tới cuộc đối thoại lịch sử tại Singapore vào ngày 12 tới đây, sóng gió đã nổi lên. Một sự khởi đầu tốt chưa chắc đã có kết quả như mong muốn.

Hồi giữa tuần trước, Bình Nhưỡng đã ra hai tuyên bố khiến cho “cánh cửa” đối thoại Mỹ-Triều gần như đóng lại. Tuyên bố thứ nhất, Triều Tiên lên án cuộc tập trận chung Thần Sấm (Max Thunder) giữa Mỹ và Hàn Quốc, sẽ kéo dài đến ngày 25 tới đây. Miền Bắc bán đảo Triều Tiên cho rằng cuộc tập trận chung này vi phạm Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (Panmunjom) mà hai miền đã ký kết tại thượng đỉnh liên Triều vừa qua. Tuyên bố thứ hai, Bình Nhưỡng chỉ trích trực tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton với “mô hình Libya” về phi hạt nhân hóa. Đồng thời, phát đi cảnh báo rằng nếu chính quyền Washington cố gắng ép Bình Nhưỡng đơn phương phi hạt nhân hóa, quốc gia này sẽ “cân nhắc lại” về đối thoại Mỹ-Triều.

Bất đồng quan điểm

Giới chuyên gia nhận định một trong những “khúc mắc Trump-Kim” là định nghĩa và cách thức diễn giải về khái niệm phi hạt nhân hóa. Với Mỹ, khái niệm đó được hiểu là việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID); mặc dù đã có một số thay đổi trong quan điểm này từ Nhà Trắng thời gian gần đây. Về phần mình, từ trong quá khứ, Triều Tiên luôn nhìn nhận vấn đề phi hạt nhân hóa phải được áp dụng trên quy mô toàn bán đảo như một tiến trình nhằm kiểm soát lẫn nhau. 

Trong tuyên bố thứ hai được Triều Tiên phát đi giữa tuần trước, Bình Nhưỡng cho rằng yêu cầu từ phía vị cố vấn an ninh Mỹ John Bolton là mối đe dọa đối với sự an toàn của quốc gia này. Đồng thời, Bình Nhưỡng nhấn mạnh sẽ không đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nhận định Nhà Trắng và Bình Nhưỡng có cùng chung quan điểm, động thái của Triều Tiên đã một lần nữa khiến thế giới quan ngại về tương lai đối thoại Mỹ-Triều.

Những bất đồng Trump-Kim gần đây báo hiệu về một tương lai không mấy tốt đẹp cho đối thoại sắp tới: Nhà Trắng tiếp tục gây sức ép nhằm đạt được mô hình CVID với Bình Nhưỡng như từng thực hiện với Libya, đối thoại Mỹ-Triều sẽ rơi vào bế tắc. 

Đối thoại Mỹ-Triều đứng trước nhiều nguy cơ đổ vỡ. Ảnh: The Guardian

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm 2017 đã khiến cộng đồng thế giới quan ngại sâu sắc, với những lệnh trừng phạt kinh tế và các mối đe dọa quân sự. Song, bước sang năm 2018, mối quan hệ này dường như làm yên lòng các bên hơn khi chuyển sang trạng thái đối thoại. Hai miền bán đảo mở lại các kênh liên lạc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đối thoại trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời hai lần tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mở ra tương lai về vấn đề phi hạt nhân hóa. 

Bình Nhưỡng phát đi thông điệp về Kim Jong-un như một nhà lãnh đạo hợp lý, đáng tin cậy và hợp pháp, thay vì hình ảnh một nhà độc tài hà khắc, hay bắt bớ và có vấn đề trong chính sách nhân quyền. Sự thay đổi căn bản trong hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như là một chiến thuật nhằm gia tăng lòng tin từ cộng đồng quốc tế đối với chính quyền Bình Nhưỡng hiện tại. 

Trong khi Kim Jong-un thể hiện một “hình ảnh thân thiện mới”, truyền thông quốc gia này lại có những thông điệp ngược lại khi thường xuyên dùng những ngôn từ gây hấn và công kích nhằm vào Mỹ. Kể từ khi đối thoại Mỹ-Triều được công bố, truyền thông Triều Tiên thường xuyên lên án Mỹ là một đế quốc hung hăng, thường dùng chính sách khủng bố. Đồng thời, Bình Nhưỡng kết luận rằng khi một quốc gia nhận sự trợ giúp từ Nhà Trắng cũng đồng nghĩa với “sự chấm hết” cho chính quốc gia đó.

Những tuyên bố giữa tuần trước có thể là dấu hiệu trực tiếp đầu tiên của Triều Tiên đe dọa đến triển vọng đối thoại Mỹ-Triều. Trước đó, Bình Nhưỡng đã từng nhiều lần cảnh báo rằng chính quan điểm và cách hành xử của Nhà Trắng sẽ đẩy đối thoại Trump-Kim đến bờ vực rủi ro. Triều Tiên muốn Mỹ hiểu rằng cho dù Chủ tịch Kim Jong-un của họ đang tỏ ra là một “nhà lãnh đạo thân thiện” không đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ đồng ý chấp nhận các yêu cầu lấn tới từ Washington.

Ngoại giao mong manh

Tiến trình ngoại giao với Triều Tiên dường như đang được nhìn nhận một cách quá dễ dàng. Bình Nhưỡng tuyên bố chấp thuận trạng thái đối thoại từ thời điểm đầu năm 2018. Một vài tuần sau đó, các kênh liên lạc liên Triều được thiết lập, tiếp đó là sự xuất hiện dưới lá cờ thống nhất hai miền tại Thế vận hội Pyeongchang, và một đối thoại chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên được lên lịch. Hai miền bán đảo đã có một cuộc đối thoại suôn sẻ, đi đến một tuyên bố chung về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh và phi hạt nhân hóa. 

Hai thông điệp hồi giữa tuần trước từ Bình Nhưỡng là những chỉ dấu đầu tiên báo hiệu sự đổ vỡ, cho thấy tiến trình ngoại giao với Triều Tiên không hề thuận lợi. Trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều dường như là điều tất yếu sẽ đến, theo giới chuyên gia, nội dung đối thoại sẽ chỉ bao gồm xung đột và những thông điệp chồng chéo về lợi ích.

Nỗ lực hàn gắn đối thoại từ Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Có những dấu hiệu cho thấy dường như Triều Tiên thực sự mong muốn đối thoại, với một số động thái tỏ thiện chí nhất định. Một trong số đó là đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Câu hỏi đặt ra là sự đối lập trong chính sách tiếp cận ngoại giao của Bình Nhưỡng với Nhà Trắng là gì? Những tuyên bố đe dọa hủy đối thoại Mỹ-Triều gần đây có thể chỉ là “chiêu trò” của Bình Nhưỡng nhằm vào chính bản thân Tổng thống Donald Trump, hay nói cách khác là nhằm vào “mong muốn tột cùng về sự thành công” mà Donald Trump kỳ vọng cho đối thoại. Nếu không thay đổi quan điểm về chính sách tiếp cận các vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump sẽ bị nhìn nhận như một nhà lãnh đạo thất bại so với những người tiền nhiệm.

Trong một diễn biến liên quan, theo truyền thông, sau cuộc họp kín với nhà lãnh đạo Mỹ ngày 22.5, phía Hàn Quốc thông báo lịch trình đối thoại Mỹ-Triều vẫn sẽ được diễn ra theo đúng kế hoạch, vào ngày 12.6 tới tại Singapore. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông chủ Nhà Trắng đã ra một tuyên bố gần như trái ngược hẳn, rằng “rất có thể” cuộc đối thoại lịch sử này sẽ không diễn ra trong tháng 6, thậm chí phía Mỹ có thể hủy bỏ đối thoại nếu như không đạt được một số điều kiện nhất định, trong đó có việc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. 

Về phần mình, Nga-một trong các bên liên quan ít có động thái rõ rệt nhất kể từ thời điểm thiết lập đối thoại Mỹ-Triều đã lên tiếng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, khi Washington đe dọa Bình Nhưỡng, đặc biệt là với “mô hình Libya”, sự đe dọa này không chỉ nhằm riêng vào Triều Tiên mà sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực. Và mối nguy đó được rút ra từ chính Libya. Cũng theo bà Maria, Điện Kremlin đã lên kế hoạch cho một loạt những kịch bản có thể xảy ra, nhằm thiết lập sự ổn định cho bán đảo Triều Tiên. 

Động thái của Triều Tiên và từ các bên liên quan gần đây, đặc biệt là từ Hàn Quốc, không thể khẳng định hay phủ nhận về sự thành công của đối thoại Mỹ-Triều, song thời điểm hiện tại chưa phải lúc tất cả các bên từ bỏ nỗ lực. 

Nguy cơ trì hoãn, thậm chí hủy bỏ đối thoại Mỹ-Triều đang khiến cộng đồng thế giới quan ngại sâu sắc. Điều gì sẽ xảy ra nếu đối thoại này bị hủy bỏ? Ranh giới cuối cùng của các biện pháp quân sự mà Nhà Trắng nhắc tới nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại sẽ là gì? Dường như đang có những thỏa thuận từ “phía sau sân khấu” khi một loạt các đối thoại khác đang diễn ra. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa kết thúc chuyến công du Mỹ. Bên cạnh đó, một loạt các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản có mặt tại Washington và một trong những nội dung thảo luận xoay quanh đối thoại lịch sử Mỹ-Triều tới đây. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono có chuyến thăm Washington trùng thời điểm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, và chắc chắn những nội dung nghị sự này sẽ tác động tới triển vọng đối thoại Trump-Kim. Đặc biệt, giữa Mỹ và Triều Tiên, bên nào mong muốn đối thoại hơn?! Tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hay vấn đề phi hạt nhân hóa còn rất nhiều câu hỏi cần tìm lời giải, nhưng chắc chắn sẽ không đơn giản.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối thoại Mỹ-Triều: Triển vọng mong manh