Bán đảo Triều Tiên: Bức tranh lớn hơn dần lộ diện

14/06/2018 15:33

Những ngày gần đây, báo giới quốc tế hết lời ca ngợi về “cái bắt tay lịch sử” hay những gì Donald Trump và Kim Jong-un đã đạt được tại đảo Sentosa (Singapore).

Mỹ và Triều Tiên đã cùng nhau tạo dựng một khởi đầu tích cực cho tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Songvẫn còn đó bóng dáng một Trung Quốc không ngừng quan sát và tính toán những bước đi chiến lược tiếp theo.

Bắc Kinh mặc dù không tham dự tại bàn đàm phán, nhưng chính câu chuyện Trump-Kim lại tái khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của cường quốc này. Sẽ rất khó để thúc đẩy vấn đề phi hạt nhân hóa nếu thiếu đi Trung Quốc.

Washington và Bình Nhưỡng “hả hê” với cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử trong một khách sạn sang trọng tại Singapore; sau đó là việc ký kết một văn kiện mà theo giới quan sát đánh giá là “một thỏa thuận tượng trưng”. Trong bối cảnh đó, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh lại được khẳng định theo một cách hoàn toàn khác.


Cục diện mới khi Mỹ-Triều xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Time

Trao đổi với báo giới sau cuộc đối thoại lịch sử, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về kết quả cuộc đối thoại. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Trung Quốc là một “quốc gia lớn” và quốc gia ấy có một người bạn – Chủ tịch Tập Cận Bình. Donald Trump tin rằng kết quả đối thoại sẽ làm hài lòng Tập Cận Bình. Động thái này đã phần nào khẳng định vai trò của Bắc Kinh, đồng minh thân thiết nhất, đối tác thương mại lớn nhất mà Triều Tiên đang có. Đồng thời, cũng là quốc gia mà Mỹ không thể “phớt lờ” nếu muốn đạt được một điều gì đó tại khu vực.

Theo nhận định từ nhiều chuyên gia, một thực tế rằng những xung đột giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn luôn thường trực và không thể giải quyết chỉ thông qua một cuộc đối thoại. Nếu thiếu sự hỗ trợ từ Trung Quốc, quá trình phi hạt nhân hóa nhằm hướng tới tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ vướng phải rất nhiều khó khăn. Trung Quốc, cùng với Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới cục diện chung toàn bán đảo.

Sự tiến triển trong đàm phán về các vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đặc biệt là tiến trình chấm dứt tình trạng chiến tranh hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đều phù hợp với những kỳ vọng của Bắc Kinh. Hai miền Triều Tiên cùng cam kết nỗ lực trong trong một giải pháp hòa bình chung, chấm dứt gần 7 thập kỷ thù địch, đồng thời xoa dịu tình trạng căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân.

Có thể khẳng định, Trung Quốc không hề đánh mất bất kỳ lợi ích nào sau đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua. Ngược lại, Bắc Kinh đã đạt được mục đích và tìm ra cách thức nhằm khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng trong khu vực, khi các bên tìm kiếm một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tiến trình phi hạt nhân hóa được nêu tại hội nghị không đi kèm một lộ trình cụ thể, không nêu rõ bất kỳ biện pháp rõ ràng nào nhằm giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cần tới vai trò của Trung Quốc nhiều hơn nữa trong việc gây sức ép với Triều Tiên trong tương lai.


Tập Cận Bình và những tính toán sau đối thoại Trump-Kim. Ảnh: Express

Điều Washington mong muốn, đó là Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò chính trong việc phát triển nền kinh tế Triều Tiên, và đó cũng là điều mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm kiếm.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, kết quả đạt được sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử này có thể coi là một “chiến thắng lớn” dành cho Trung Quốc, kể từ khi Bắc Kinh tìm kiếm “một thỏa thuận kép”. Liên minh Mỹ-Hàn sẽ “đóng băng” các cuộc tập trận chung, hành động mà Donald Trump mô tả là “tốn kém” và “mang tính gây hấn”. Đổi lại, Triều Tiên sẽ “đóng băng” chương trình phát triển hạt nhân. Một sự thay đổi “đóng băng để đóng băng” đầy toan tính.

Theo giới phân tích, việc Nhà Trắng ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là sự nhượng bộ rất lớn dành cho Bình Nhưỡng. Về phần mình, Triều Tiên hoàn toàn không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về tiến trình phi hạt nhân hóa, thay vào đó là những “lời hứa mơ hồ” mà Kim Jong-un đã từng đưa ra tại Bàn Môn Điếm hồi cuối tháng 4 vừa qua. Điều đó một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải thông qua Trung Quốc, quốc gia dường như có vai trò chủ chốt trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mối quan hệ Trung-Hàn trong một năm qua chứng kiến nhiều căng thẳng liên quan đến việc Seoul triển khai thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tuy nhiên, Bắc Kinh và Seoul đã dường như “tìm được tiếng nói chung” khi Donald Trump đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên hồi cuối năm ngoái, khi Bình Nhưỡng tuyên bố những tên lửa được phóng thử có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Đánh giá về cục diện chung, ông Chung In-moon, Cố vấn đặc biệt vềan ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc nhận định rằng vai trò của Trung Quốc trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ ngày một to lớn hơn trong tương lai.

Trái ngược với nhận định từ nhiều nhà quan sát, rằng Bắc Kinh sẽ bị “mời khỏi cuộc chơi” khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới tham dự đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều và cùng Triều Tiên tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh mả không có sự tham gia từ Trung Quốc. Cục diện đang đảo chiều, thực tế Bắc Kinh không hề để mất đi lợi ích hay vai trò. Quá trình đưa ra tuyên bố chung về chấm dứt tình trạng chiến tranh chỉ là nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Cho đến thời điểm hiện tại, các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên đều theo chiều hướng mà Bắc Kinh mong muốn. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ được thể hiện một cách rõ nét hơn nữa.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức không nhỏ. Tại đảo Sentosa, Mỹ và Triều Tiên đều không đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn ngay “sát vách” Trung Quốc.

Đối thoại Mỹ-Triều là cơ hội để các bên tạo ra đột phá, song nếu thất bại, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại, với quy mô và mức độ có thể sẽ gia tăng hơn trước, thậm chí có thể dẫn tới xung đột quân sự. Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy liên minh Mỹ-Hàn-Nhật suy yếu, ngay cả khi Washington cân nhắc sẽ rút quân đồn trú tại Hàn Quốc về nước. 

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cần quan sát và đánh giá kỹ hơn nữa về các động thái từ Bình Nhưỡng, nhằm kiểm chứng liệu rằng Triều Tiên có “ngả về phe Mỹ” nhiều hơn sau đối thoại thượng đỉnh hay không. Chính quyền Tập Cận Bình có thể đang lo ngại về khả năng mất đi những ảnh hưởng nhất định đối với Triều Tiên khi Bình Nhưỡng và Washington cùng thiếp lập các cơ chế riêng đi ngược lại lợi ích của Bắc Kinh. Sau “cái bắt tay lịch sử”, nội dung cuộc trao đổi kín 1-1 giữa Donald Trump và Kim Jong-un cho đến thời điểm hiện tại chưa hề được tiết lộ. Và theo giới chuyên gia, sẽ có nhiều thông tin bị che giấu, đó sẽ là câu chuyện riêng của Mỹ và Triều Tiên.

Trong diễn biến liên quan, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lịch sử, cả Trung Quốc và Nga đều kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện đang nhằm vào Triều Tiên. Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông, Iran lên tiếng cảnh báo Triều Tiên về bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào đạt được với Mỹ, dẫn chứng về nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) đã ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015. Với Iran, Donald Trump là một vị Tổng thống có thể rút lại bất kỳ thỏa thuận nào.

Trong chuỗi các hoạt động ngoại giao liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, mở đầu là đối thoại thượng đỉnh liên Triều, và mới đây là đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều. Cả hai cuộc đối thoại đều mang tính lịch sử. Và chắc chắn, sẽ còn nhiều đối thoại thượng đỉnh cũng như cấp cao khác diễn ra. Tất cả những gì đã ký, từ Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm cho tới Tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore, đều không thể “qua mặt” Trung Quốc, dù Bắc Kinh có tham dự đối thoại hay không.Một ngày sau đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều, Washington bày tỏ mong muốn tiến trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên sẽ hoàn tất sau 2,5 năm nữa. Trong thời gian đó, vai trò của Bắc Kinh là gì, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tới đâu, liệu tiến trình phi hạt nhân hóa này sẽ hoàn tất? Đó là những câu hỏi chưa dễ tìm ra lời giải. Sau sự kiện Sentosa, về cục diện chung bán đảo Triều Tiên, một bức tranh lớn hơn đang dần lộ diện.

HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán đảo Triều Tiên: Bức tranh lớn hơn dần lộ diện