Người lưu giữ làn điệu chèo

14/11/2020 15:18

Ông Vũ Công Bằng ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) là một trong số ít người vừa nắm vững kỹ thuật hát, vừa sáng tác, đạo diễn các vở chèo ở Hải Dương hiện nay.


Ông Vũ Công Bằng có nhiều sáng tác chèo mang đậm hơi thở đời sống 

Từ sân khấu không chuyên

Ông Bằng năm nay 61 tuổi. Hơn 40 năm gắn bó với chèo, ông vẫn thấy đó là cả thế giới cần khám phá. Ông bảo mình may mắn sinh ra ở Nhân Quyền, nơi ươm mầm cho nhiều hạt nhân văn nghệ quần chúng, bởi nghệ thuật truyền thống được các thế hệ lãnh đạo ở địa phương quan tâm. Ông cũng trưởng thành từ cái nôi này nên muốn gieo duyên ấy cho thế hệ mai sau.

Tình yêu chèo xuất phát từ khi ông được nghe ông ngoại hát chèo. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng dần qua những cấp học, ông Bằng là cây văn nghệ tiêu biểu của lớp, của trường với những tiết mục tự dàn dựng, tự hát. Sau này nhập ngũ, ông lại là cây văn nghệ tiêu biểu của Lữ đoàn 241, Quân đoàn I. Hết 3 năm nghĩa vụ, về quê ông lại tham gia đội văn nghệ của xã Nhân Quyền.

Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đội chèo hai xã Nhân Quyền và Thúc Kháng mạnh nhất huyện Cẩm Bình. Hai đội thay nhau đi diễn ở cơ sở để cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất trong nhân dân. HTX tính công điểm mỗi người tham gia đội văn nghệ được 60 kg thóc/vụ. Theo ông Bằng, “chế độ” như thế là khá cao nên anh em càng tích cực tham gia, vừa thỏa mãn đam mê, vừa góp sức lao động, sản xuất ở địa phương. Phong trào thi đua văn nghệ vì thế cũng diễn ra sôi nổi. Đội văn nghệ huyện Cẩm Bình liên tục giành giải của tỉnh, nhiều đợt còn đại diện cho tỉnh Hải Hưng thi Liên hoan các làng chèo toàn quốc.  

Thời ấy, chèo được nhân dân yêu thích, dù là những buổi tập ở chiếu làng, buổi nào cũng chật kín người xem. Ông Bằng được chọn vào vai chính của các vở như hoàng tử trong vở “Tấm Cám”, Tống Trân trong “Tống Trân-Cúc Hoa”, Trương Viên trong “Đôi ngọc lưu ly”… Với ông, vai diễn Tống Trân là ấn tượng nhất, bởi đây cũng là vở của hai đạo diễn có nghề là Lê Khiêm - Minh Tuệ (thuộc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng). Vở hay, đậm chất chèo, chính vở diễn cũng đưa tên tuổi của ông vang xa không chỉ với giới chuyên môn mà cả công chúng.

Dấu ấn trong sáng tác của ông phải kể đến năm 1995 viết vở “Có một mảnh đời như thế” kể về cuộc đời của một quân nhân sau khi về quê, đối mặt với những cám dỗ vật chất đời thường vẫn giữ được phẩm chất bộ đội Cụ Hồ... Vở khi tham gia Liên hoan chiếng chèo Đông lần thứ nhất đã đoạt giải xuất sắc, được chọn tham dự Liên hoan các làng chèo toàn quốc năm 1996 và tiếp tục đoạt giải vàng. 

Đến nay, ông Bằng đã sáng tác hơn 40 tác phẩm với nhiều giải thưởng, huy chương trong các cuộc thi cấp tỉnh và toàn quốc. Nhạc sĩ Văn Tân, nguyên Nhạc trưởng Nhà hát Chèo Hải Dương nhận xét: “Công Bằng là một người đa năng, có bề dày kiến thức về đời sống xã hội. Vì thế, những sáng tác chèo của ông luôn mang đậm hơi thở của đời sống đương đại”.

Đau đáu với chèo

Năm 2007, với những đóng góp cho nghệ thuật truyền thống, ông được mời về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Lúc này, ông đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy sân khấu không chuyên phát triển qua hoạt động của các câu lạc bộ, lớp bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cơ sở được tổ chức hằng năm…

Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thuần thục kỹ năng sáng tác kịch bản và thủ pháp đạo diễn sân khấu chèo, kỹ thuật hát các làn điệu chèo cổ, chơi các nhạc cụ: đàn tam, sáo, trống… 

Năm 2014, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển sự nghiệp sân khấu. Về hưu, ông trăn trở, băn khoăn làm sao để giữ và phát triển sân khấu chèo.

Theo ông Bằng, Hải Dương trước nay đều là lá cờ đầu trong phong trào văn nghệ quần chúng, riêng chèo có đến hơn 800 câu lạc bộ, đội, nhóm… Dù đông nhưng điểm lại hiện chỉ có mấy đội chèo tiêu biểu như Kiến Quốc (Ninh Giang), Nam Hưng (Nam Sách), Nhân Quyền (Bình Giang), Câu lạc bộ Chèo Bông Sen (Kinh Môn) và gần đây có Câu lạc bộ Chèo dân ca của Cẩm Giàng.

Để xây dựng được nghệ thuật truyền thống theo hướng chuyên nghiệp, theo ông Bằng, cách làm hiệu quả nhất hiện nay là sự quan tâm trực tiếp từ địa phương. Ông khẳng định nếu địa phương không quan tâm đầu tư thì sẽ không có một đội văn nghệ hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở bài bản, có nghề để nâng cao hơn nữa chất lượng văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Giờ đây khi đã về hưu, ông vẫn miệt mài viết các vở mới phục vụ cho sân khấu không chuyên các cấp, để các địa phương tiếp tục có các vở chất lượng, phô diễn được tài năng.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lưu giữ làn điệu chèo