Nghiên cứu văn nghệ dân gian: Con đường vắng người đi

06/06/2017 10:00

Hoạt động nghiên cứu văn nghệ dân gian rất cần thiết cho sự bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật của địa phương.



Thế nhưng đội ngũ những người tham gia hoạt động này của Hải Dương đang ngày một thưa thớt dần...




Những tác phẩm nghiên cứu văn nghệ dân gian rất có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống


Công việc đòi hỏi đam mê

Bà Lê Thị Dự, Phó Ban Văn nghệ dân gian (Hội Văn học nghệ thuật) vừa hoàn thành bản thảo 2 quyển sách: "Văn hóa dân gian làng Hoạch Trạch", "Phong tục tập quán và lễ hội tiêu biểu của huyện Ninh Giang". Mỗi quyển sách dày hơn 100 trang đã lấy mất của bà khoảng thời gian hàng năm trời. Trong đó có nhiều tháng đi điền dã tại làng Hoạch Trạch (xã Thái Học, Bình Giang) và các xã của huyện Ninh Giang. "Đi tới đâu tôi cũng phải gặp nhiều người dân để hỏi chuyện, ghi chép lại, sưu tầm những câu chuyện dân gian, những phong tục tập quán... Có những phần khi về ngồi viết rồi còn cảm thấy băn khoăn, lại phải tiếp tục đi cơ sở để tìm hiểu tiếp. Vất vả, lăn lộn cả năm trời mới xong được khâu bản thảo", bà Dự cho biết.

Những đề tài mà bà Dự theo đuổi, mất nhiều thời gian, công sức để thực hiện đều xuất phát từ tâm huyết của bà đối với đời sống văn hóa của địa phương chứ không phải thực hiện theo đơn đặt hàng hay phục vụ công việc cụ thể nào đó. Vì thế, toàn bộ chi phí để thực hiện những quyển sách này đều do bà tự bỏ ra. Khi phát hành sách, có thể có sự hỗ trợ từ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hoặc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, những tổ chức bà đang là hội viên nhưng thường chỉ bù đắp được một phần chi phí đã bỏ ra.

Đó cũng là tình trạng chung của những công trình nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian của các tác giả trong tỉnh từ trước tới nay. Chỉ có một số ít các quyển sách được thực hiện theo yêu cầu của các địa phương, tổ chức. Còn đa số các công trình nghiên cứu đều xuất phát từ sự tâm đắc, tấm lòng đau đáu của các tác giả đối với những nét văn hóa đặc sắc của các địa phương.

Tác giả Phạm Chức, hội viên Ban Văn nghệ dân gian hiện đang là Phó Trưởng Phòng Thời sự (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) thì tận dụng thế mạnh của truyền hình để làm các ký sự lưu giữ lại những tri thức dân gian về những nghề truyền thống, các loại hình diễn xướng, các dấu tích văn hóa, lịch sử ở khắp các huyện, xã trong tỉnh. “Để làm các ký sự này, trước tiên tôi phải nghiên cứu lịch sử địa phương qua các tài liệu chính thống như các sách: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt sử ký, Hải Dương phong vật chí, Chí Linh phong vật chí... Từ đó, có những tri thức và sự hình dung về lịch sử các vùng”, anh Chức cho biết.

Phải thuộc nằm lòng những kiến thức này anh Chức mới tiếp tục đi nghiên cứu thực địa, gặp người dân để ghi lại những gì còn tồn tại trong dân gian. Làm những công trình như vậy không chỉ mất nhiều thời gian, công sức mà còn phải hết sức thận trọng, tỉnh táo để lưu lại chính xác các tri thức, văn hóa đã và đang tồn tại.

Nỗi lo lắng về việc thiếu vắng những người kế cận trên con đường vốn đã thưa thớt người đi này luôn thường trực trong những người tâm huyết với nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian.


So với các loại hình văn học, nghệ thuật khác, nghiên cứu văn nghệ dân gian gắn bó chặt chẽ nhất với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Với nhiệt tình, tâm huyết, các tác giả đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất bản thành sách có giá trị như: "Gốm Chu Đậu" (Tăng Bá Hoành), "Nghệ thuật hát trống quân ở Thúc Kháng (Bình Giang)" (Lê Thị Dự), "Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá" (Nguyễn Long Nhiêm), "Thành hoàng và đình làng ở Bình Giang" (Nguyễn Hữu Phách), "Ký sự khám phá Chí Linh thiêng" (Phạm Chức)... Thông qua những công trình này, những nét văn hóa đặc sắc của các địa phương trong tỉnh đã được lưu giữ lại dưới dạng văn bản và hình ảnh, là những nguồn tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Dấu hiệu đáng báo động

Trong những năm gần đây, đội ngũ những người nghiên cứu văn nghệ dân gian của tỉnh ta hầu như không phát triển thêm được hội viên mới. Ban Văn nghệ dân gian hiện là ban chuyên môn có ít hội viên nhất của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, với vẻn vẹn 8 người. Phần lớn trong số đó tuổi đã cao trong khi hoạt động điền dã cần sức khỏe tốt để đi lại, tìm hiểu, nghiên cứu. Mặc dù rất khuyến khích những nhân tố mới quan tâm tới lĩnh vực này đi sâu tìm hiểu để tiếp tục công việc của những người đi trước nhưng chẳng mấy người nhiệt tình. Về nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Lê Thị Dự là do nghiên cứu văn nghệ dân gian đòi hỏi phải có niềm đam mê, ít nhiều phải hy sinh vì nó nên nhiều người trẻ ngại ngần, không muốn dấn thân. Khi tham gia nghiên cứu văn nghệ dân gian, phần lớn các tác giả phải tự chủ về kinh phí, thời gian mà không biết liệu có thu lại được gì hay không. Đây cũng là trở ngại lớn đối với những người trẻ tuổi đang có công việc chính ở các cơ quan, tổ chức và còn mang trên vai gánh nặng mưu sinh.

“Trong quá trình đi điền dã, tôi gặp nhiều cụ già như những pho sử sống của địa phương. Họ thuộc rất nhiều các câu chuyện kể, các sự lệ, sự tích của vùng đất họ đang sinh sống. Nếu không nhanh chóng ghi lại những tri thức dân gian đó thì mai kia sẽ không còn ai biết đến nữa”, tác giả Phạm Chức lo lắng. Những người làm nghiên cứu văn nghệ dân gian đều mong muốn ghi chép lại hết các giá trị văn hóa còn tồn tại để lưu giữ cho mai sau. Nhưng với đội ngũ vừa mỏng, tuổi lại cao, họ không làm xuể những công việc này. Vì thế, nỗi lo lắng về việc thiếu vắng những người kế cận trên con đường vốn đã thưa thớt người đi này luôn thường trực trong những người tâm huyết với nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian. Bản thân những người đang làm công việc này cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều khi không nhận được sự hợp tác từ phía các nhân vật bởi ai cũng bận rộn công việc chính của họ.

Những tác phẩm nghiên cứu văn nghệ dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển các nét đẹp văn hóa truyền thống. Nó không chỉ có giá trị trong hiện tại mà hữu ích cho cả tương lai. Để thu hút thêm người quan tâm tham gia nghiên cứu văn nghệ dân gian, các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan cần có chế độ hỗ trợ các tác giả trong quá trình đi thực tế, xuất bản sách và sử dụng các công trình nghiên cứu.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiên cứu văn nghệ dân gian: Con đường vắng người đi