Chúng ta hiểu "sang chấn tâm lý" được bao nhiêu để có thể ''chữa lành''?

03/03/2021 07:08

Tôi thì thi thoảng cũng sang chấn vì phải chịu đựng một thảm họa điện ảnh trong rạp.

“Sang chấn tâm lý” - cụm từ nghe có vẻ rất phổ biến gần đây và thậm chí ở trên đầu môi của mỗi người khi đối mặt với một vấn đề gì đó gây ức chế cảm xúc. Một đạo diễn/nhà sản xuất sang chấn khi bộ phim tâm huyết của anh ta thất bại thê thảm tại phòng vé, dù nó không đáng bị như vậy. Tôi thi thoảng cũng sang chấn vì phải chịu đựng một thảm họa điện ảnh trong rạp.

Nhiều người trong chúng ta, không ít thì nhiều, đều phải đối mặt với những sang chấn tâm lý vì các khủng hoảng trong đời sống riêng tư, chịu nạn bạo hành gia đình, bị lạm dụng tình dục, bị một ám ảnh quá lớn từ vụ tai nạn nào đó khi đối mặt với sinh tử, mất người thân, bị tấn công, sỉ nhục và hàng trăm thứ tổn thương khác có thể gây ra sang chấn tâm lý. Và nhiều người trong chúng ta phải chịu đựng chứng sang chấn tâm lý suốt cả cuộc đời mình.

Chúng ta hiểu 'sang chấn tâm lý' được bao nhiêu để có thể 'chữa lành'?

Sang chấn tâm lý là gì và chúng ta hiểu được bao nhiêu để có thể chữa lành?

Bốn ngày vừa rồi, khi nhận được cuốn sách này, tôi tập trung thời gian rảnh để ngấu nghiến nó, tạm dừng lại những cuốn tiểu thuyết, ký sự khác mà tôi đang đọc (dù rất thích) như Châu Phi Nghìn Trùng của Isak Dinesen, Bigeguni – Những người không ngừng chuyển động của Olga Tokarczuk và… vài cuốn khác. 

Nhưng với cuốn Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành thì tôi tập trung tuyệt đối. Đơn giản, đây là một lĩnh vực về tâm thần học và về não bộ, mà tôi – và hầu hết chúng ta đều biết quá ít ỏi về chúng, trong khi chúng ta đang sống với chúng mỗi ngày.

Chúng ta cứ mơ mộng hay bay bổng ở đâu đâu, trong khi những điều thiết thân bên trong cơ thể mình, não bộ của mình thì biết quá ít. Chúng ta ra sức khám phá những cái bên ngoài, trong khi lãng quên ngay những thứ bên trong chúng ta.

Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành (The Body, Keeps the Score: Brain, Mind, and Body In the Healing of Trauma) là công trình nghiên cứu của tiến sĩ y khoa Bessel Van Der Kolk, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc của Trung tâm Điều trị sang chấn (Trauma Center) ở Massachusetts. Ông đồng thời là giáo sư Khoa Tâm thần học của Trường Đại học Boston. Ông đã dành trọn sự nghiệp của mình cho việc nghiên cứu sang chấn ở trẻ em và người lớn. Và hiện nay, các phương pháp điều trị của ông đang được giảng dạy và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Cuốn sách dày hơn 500 trang khổ lớn này không quá khó để tiếp cận, dù với một lượng kiến thức y khoa khổng lồ nhưng dễ đọc và hấp dẫn nhờ những ví dụ sinh động, những câu chuyện về các bệnh nhân và cách để họ vượt qua những cơn sang chấn kinh hoàng. Trên Amazon, nó là cuốn sách về tâm lý bán chạy nhất và giành vị trí bán chạy số 1 của New York Times nhiều tuần liền. Bản dịch tại Việt Nam không biết lần trước in bao nhiêu nhưng ở lần tái bản đầu tiên cũng in thêm 5000 cuốn, chứng tỏ dân tình đang ngày càng quan tâm đến Tâm thần học và những hội chứng, những căn bệnh về tâm lý mà lâu nay dường như chúng ta ít quan tâm.

Ông tiến sĩ Der Kolk nói rằng: “Ai cũng có thể bị sang chấn tâm lý, kể cả tôi, bạn, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn. Sang chấn không chỉ để lại dấu vết trong tâm hồn, cảm xúc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả cơ thể và hệ thống miễn dịch”.

Ngoài ra, sang chấn không chỉ ảnh hưởng đến những người trực tiếp chịu đựng nó mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Những người lính trở về từ chiến trường làm gia đình họ khiếp sợ vì sự nổi giận vô cớ, lạnh lùng, khép kín. Vợ của những người đàn ông bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) thường có xu hướng bị trầm cảm. Con của những người bị trầm cảm có nguy cơ cảm thấy bấp bênh và sợ hãi nhiều điều khi lớn lên. Một đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hoặc bị cha, mẹ bạo hành thì khi lớn lên sẽ khó tạo dựng được những mối quan hệ bền vững, tin cậy.

Dù tất cả bệnh nhân đều muốn vượt qua những nỗi đau nhưng phần não bộ dành cho việc duy trì sự sống (nằm sâu phía dưới phần não bộ lý trí) lại không giỏi phủ nhận cho lắm. Dù trải nghiệm thương đau đã xảy ra rất lâu thì bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nhỏ nào cũng có thể kích động những mạch não bộ bị tổn thương, khiến chúng tiết ra một lượng hormone của stress vô cùng lớn, gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát. Các phản ứng sau sang chấn này thường rất dữ dội và khó hiểu. Những người bị sang chấn thường mất kiểm soát bản thân và lo sợ rằng bệnh của họ vô phương cứu chữa.

Der Kolk đã xác định suốt sự nghiệp của mình là điều trị cho những bệnh nhân bị sang chấn. Ông đã thành lập Trung tâm điều trị sang chấn (Trauma Center) hơn 30 năm trước và đã chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân là trẻ em và người lớn bị sang chấn. Họ là nạn nhân của bạo hành khi còn bé, thiên tai, chiến tranh, tai nạn, nạn buôn người, bị người thân hoặc người lạ ngược đãi, hãm hiếp… Một trong những đối tượng sang chấn mà ông tiến sĩ này quan tâm nhất là những cựu binh chiến tranh Việt Nam.

Điện ảnh Hollywood đã khai thác rất nhiều bộ phim hay về những cựu binh chiến tranh Việt Nam mắc hội chứng PTSD khi trở về quê hương như The Deer Hunter, Coming Home, Sinh ngày 4.7… Nhiều người trong số họ chịu không nổi những cơn sang chấn này và chọn cách tự sát để giải thoát bản thân.

Nhưng đó là điện ảnh, và dù sao cũng ít nhiều mang tính hư cấu. Còn ở ngoài đời thực thì sao?

Trong cuốn sách này, ông tiến sĩ cũng chữa cho một cựu binh chiến tranh Việt Nam, hiện là luật sư, nhưng trước đó từng là lính thủy quân lục chiến từng tham chiến tại Việt Nam. Năm 1969, ông kết thúc nhiệm vụ của mình và bay từ Đà Nẵng về Boston nhưng những ngày tháng sau đó mới là những ngày tháng khủng khiếp của ông khi thấy tâm hồn mình đã chết từ lâu, chỉ cố tỏ ra là bình thường nhưng bên trong thì vụn vỡ. Ông ta đối xử với vợ con thô bạo mà đôi khi không lý giải được. Những cơn ác mộng thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là những cảnh bắn giết người dân vô tội ở Việt Nam hay chứng kiến đồng đội ngã xuống, gào thét trong đau đớn trước khi lìa đời. Ông ta chỉ lấy lại được sự bình tĩnh khi uống say mèm hay phóng bạt mạng trên chiếc mô tô Harley Davidson.

Khi ông tìm đến Trung tâm Sang chấn để được chữa bệnh, ông bác sĩ đã kê đơn cho Tom một loại thuốc giảm các cơn ác mộng hoặc nếu có thì chúng cũng bớt dữ dội hơn. Nhưng sau 2 tuần tái khám, Tom thừa nhận là mình không uống thuốc. Lý do là: “Tôi nhận ra rằng nếu uống thuốc và những cơn ác mộng biến mất, tức là tôi đã bỏ rơi các đồng đội đã khuất của mình. Tôi phải là một đài tưởng niệm sống cho họ".

Đấy cũng là một dạng biểu hiện rất phổ biến của những người bị sang chấn. Tức là họ muốn giải thoát nó, nhưng đồng thời lại không thể và đôi khi không muốn thoát khỏi nó. Đơn giản là bị chúng ám ảnh quá lâu và trở thành một phần cuộc sống của họ. Họ trở thành những kẻ mắc kẹt trong nỗi đau của chính mình.

"Đối với nhiều người, chiến tranh bắt đầu từ trong chính tổ ấm của họ. Hàng năm có khoảng 3 triệu trẻ em Mỹ là nạn nhân của lạm dụng trẻ em và bị bỏ rơi. 1 triệu trong số đó là những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và đủ bằng chứng buộc các dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc tòa án phải can thiệp. Nói cách khác, cứ một người lính xả thân trên mặt trận thì có đến 10 trẻ em bị đe dọa trong chính ngôi nhà của chúng. Điều này vô cùng bi thương vì trẻ em sẽ rất khó lớn lên và phục hồi nếu nguồn gốc của nỗi sợ hãi và nỗi đau của các em không phải do quân thù trên chiến trường gây ra mà do chính những người chăm sóc, nuôi dưỡng các em mang lại. Sự nguy hiểm của sang chấn trở thành những cú sốc mà những người chịu đựng nó không thể trốn thoát" - thông tin từ cuốn sách.

Tác giả của cuốn sách cũng chỉ ra các cuộc cách mạng dược phẩm mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đồng thời gây ra nhiều tổn hại. Và một điều nguy hiểm của những bệnh nhân lạm dụng thuốc trong quá trình điều trị PTSD là nó khiến cho họ không tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản của họ.

Ông viết: “Nếu thuốc chống trầm cảm thực sự có hiệu quả kỳ diệu như ta tưởng thì giờ đây bệnh trầm cảm đã trở thành chuyện nhỏ rồi. Trên thực tế, dù số người dùng thuốc trầm cảm tiếp tục tăng lên thì số bệnh nhân trầm cảm chẳng giảm xuống là bao. Số người điều trị chứng trầm cảm đã tăng gấp ba lần trong hai thập niên qua, và 1/10 số người Mỹ hiện đang dùng thuốc chống trầm cảm".

Và trong khi các loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới như Abilify, Risperdal, Zyprexa, Seroquel… bán rất chạy ở Mỹ và thu về hàng tỷ đô la, số người mắc bệnh và lệ thuộc vào thuốc càng tăng lên mà thôi.

Vậy thì làm cách nào để chữa lành sang chấn tâm lý. Có rất nhiều cách mà các nhà khoa học, tâm thần học và bác sĩ đã thử nghiệm và khám phá ra những phương pháp để điều trị. Một trong những phương pháp đó là khám phá não bộ bị sang chấn.

Trên thực tế, những bệnh nhân bị sang chấn không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của họ, mà còn tác động đến toàn bộ cơ thể họ, từ thân thể, tâm trí đến não bộ. Chữa trị PTSD là làm cách nào để chấm dứt sự huy động căng thẳng kéo dài này và khôi phục lại trạng thái an toàn cho toàn bộ cơ thể.

Các phần tiếp theo của cuốn sách kỳ diệu này sẽ mang đến cho chúng ta nhiều thông tin và kiến giải đặc sắc khác mà chỉ có đọc nó một cách trọn vẹn, các bạn mới lĩnh hội được.

Phần III nói về sang chấn tâm lý ảnh hưởng như thế nào đến trẻ thơ, là một phần mà tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ đều nên đọc.

Phần IV, Dấu ấn của sang chấn cũng rất hay khi nói về những nỗi đau quá sức chịu đựng của bệnh nhân sang chấn khi họ hồi tưởng lại quá khứ.

Và cuối cùng, phần quan trọng nhất và cũng được viết chi tiết, kỹ lưỡng nhất là phần cuối của cuốn sách: Con đường hồi phục. Ở đó tác giả đã đưa ra nhiều cách thức để hồi phục như tìm cách làm chủ chính cơ thể mình, giải thoát bằng ngôn ngữ (điều kỳ diệu và sự bạo tàn), tìm cách buông bỏ quá khứ, học cách sống với cơ thể bằng cách yoga và thiền hay Tái kết nối lại não bộ…

Tôi chỉ điểm qua vài nét cơ bản chứ cuốn sách đồ sộ này còn chứa đựng một lượng kiến thức và kiến giải khổng lồ về sang chấn. Một công trình của cả đời người như thế này thì không thể review mà nói hết được trong một bài viết. 

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chúng ta hiểu "sang chấn tâm lý" được bao nhiêu để có thể ''chữa lành''?