Sự kiện nổi bật ngày 17.10

17/10/2020 20:32

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025... là sự kiện nổi bật ngày 17.10.

TRONG NƯỚC

Sáng 17.10, tại TP Vinh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khai mạc với chủ đề "Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững". Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng Nghệ An vẫn chưa thực hiện được mong mỏi và tin cậy của Bác Hồ đã gửi gắm cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Nghệ An vẫn chưa trở thành “một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở và nhấn mạnh một số nội dung để Đại hội thảo luận, đó là: Nghệ An đã xác định khát vọng vươn lên, phát triển nhanh và bền vững, xác định đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ngày 17.10, tại tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam (20.10.1890 - 20.10.2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà tỉnh Hà Nam đã đạt được trong suốt chặng đường 130 năm xây dựng và phát triển. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam; trao Huân chương Lao động cho 15 cá nhân và danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa – TTXVN

Chiều 17.10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả do ảnh mưa lũ gây ra. Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Sáng 17.10, tại Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, do điều kiện thời tiết diễn biến xấu, có mưa lớn, gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Tại khu vực tìm kiếm, tổng lượng mưa tính đến sáng 17.10 từ 300-400 mm, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới trên tuyến đường 71 dẫn vào Thủy điện Rào Trăng 3. Hiện tại, lực lượng cứu hộ và phương tiện cơ giới đang tập kết trên tuyến đường 71 còn cách vị trí Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 12 km. Đoạn đường phía trước có nhiều ngầm lớn và điểm sạt lở mới. Vụ sạt lở đất ngày 12.10 tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 người mất tích, đến sáng 17.10 đã tìm thấy hai thi thể. Hiện nay, ở Thủy điện Rào Trăng 3 có 8 công nhân sống sót an toàn, đang bám trụ với sự tiếp tế lương thực của lực lượng cứu hộ. Trong ảnh: Vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men vào khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Ảnh: TTXVN

Ngày 17.10, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Tập đoàn TH tổ chức Lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) với tổng vốn đầu tư 2.544,5 tỷ đồng, quy mô đàn bò sữa 10.000 con; nhà máy chế biến sữa công suất 49.000 tấn/năm. Dự án có quy mô sử dụng đất dự kiến 66,7 ha, trong đó khu vực trang trại chăn nuôi bò sữa là 63,7 ha; khu vực nhà máy sữa 3 ha; quy mô tổng đàn bò 10.000 con. Địa điểm thực hiện dự án tại Khu Lũng Tén, xã Đại Sơn và Khu Lũng Mười, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Dự kiến Dự án sẽ triển khai trong 4 năm, chia thành 02 giai đoạn tương ứng với 04 phân kỳ (mỗi phân kỹ thực hiện trong 01 năm). Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn TH động thổ xây dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Thị trấn Hòa Thuận huyện Quảng Hòa, Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

QUỐC TẾ

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien ngày 16.10 đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 1 năm mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời cho rằng cả 2 bên đều phải hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân trong suốt thời gian này. Ông O'Brien nói: “Phản hồi hôm nay của Tổng thống Putin về việc gia hạn New START mà không giữ nguyên số đầu đạn hạt nhân là một đề nghị không khả thi”. Theo ông O'Brien, Mỹ đã đề xuất gia hạn New START thêm 1 năm để hai bên có thời gian kéo dài đàm phán tới sau thời điểm hiệp ước hết hiệu lực vào tháng 2.2021, qua đó hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này phải "đóng băng" số lượng đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn tạm thời này. Trong ảnh: Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien trong cuộc họp báo ngày 13.8.2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16.10 đã nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán về việc ký kết hiệp ước hòa bình, bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực hiện do Nga quản lý và gọi là quần đảo Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là vùng Lãnh thổ phía Bắc. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 60 phút, hai ngoại trưởng đã thống nhất sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về việc ký kết hiệp ước hòa bình, cho phép các cư dân cũ từng sống tại vùng đảo tranh chấp được trở về thăm mộ tổ tiên bằng máy bay và hợp tác kinh tế chung tại khu vực tranh chấp. Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán về hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân. Trong ảnh: (tư liệu) Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) tại cuộc gặp ở Nagoya, Nhật Bản, ngày 22.11.2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc xung đột tại khu vực Nagorno-Karabakh tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan đã leo thang vào rạng sáng 17.10 khi các lực lượng Armenia tiếp tục nã pháo vào thành phố Ganja của Azerbaijan khiến hàng chục dân thường thương vong. Theo đó, lực lượng Armenia đã bắn thêm một quả tên lửa vào một khu vực khác của thành phố Ganja và một quả khác rơi xuống gần thành phố chiến lược Mingecevir ở gần đó. Trước đó vài giờ, lực lượng Azerbaijan cũng đã nã pháo vào thủ phủ Stepanakert của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh. Trong ảnh: Lực lượng Armenia nã pháo về phía tiền đồn quân đội Azerbaijan trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày 28.9.2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Công bố của Bộ Tài chính Mỹ ngày 16.10 cho biết thâm hụt ngân sách của nền kinh tế đứng đầu thế giới đã tăng vọt gấp 3 lần lên con số kỷ lục 3,1 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30.9.2020, bởi Nhà Trắng đã phải vật lộn với đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng đã nhấn chìm nước Mỹ vào tình trạng suy thoái vừa qua. Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngân sách liên bang đã phải chi tăng rất nhiều để chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế trong khi nguồn thu giảm mạnh vì tình trạng đóng cửa nền kinh tế và thất nghiệp diện rộng. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2020 đã lên tới 16,1%, con số lớn nhất kể từ năm 1945 – thời kỳ mà nước Mỹ phải chi nhiều khoản khổng lồ cho các hoạt động quân sự nhằm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II. Trong ảnh: Người dân đi bộ tại quảng trường Times ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 17.10,  Ủy ban Quốc gia phòng chống thảm họa Campuchia thông báo số nạn nhân thiệt mạng do lũ lụt trong hơn hai tuần qua tại nước này đã lên tới 18 người, trong đó có 8 trẻ em. Từ ngày 1.10 đến sáng16.10, lũ lụt đã ảnh hưởng tới 71 thành phố/quận/huyện và 283 xã/phường tại 19 trong tổng số 25 tỉnh cùng thủ đô Phnom Penh. Theo Ủy ban Quốc gia phòng chống thảm họa Campuchia, đã có 53.169 hộ gia đình (tương đương 212.676 người) đã bị ảnh hưởng lũ lụt, khoảng 25.192 người đã phải đi sơ tán tới nơi an toàn. Ước tính nước lũ đã nhấn chìm 51.133 ngôi nhà, 439 trường học, 137.160 hécta lúa và 67.490 hécta hoa màu cùng nhiều đường sá, cầu và kênh mương, gây nhiều hư hại và thiệt hại. Hiện chính quyền các cấp Campuchia đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ các nạn nhân và giảm thiểu thiệt hại cùng các khó khăn của người dân. Trong ảnh: Cảnh ngập lụt do mưa lớn kéo dài tại tỉnh Battambang, Campuchia ngày 10.10.2020. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 17.10