Sự kiện nổi bật ngày 13.11

13/11/2020 19:27

Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12 là những sự kiện quan trọng ngày 13.11.

TRONG NƯỚC

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, ngày 13.11, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN với chủ đề “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm” và Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2; Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12. Đây là 2 Hội nghị có tính chất rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Mekong với 2 đối tác chính trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trọng tâm chính tại 2 Hội nghị lần này là việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên để kiểm soát, ứng phó và giảm thiểu tác động từ đại dịch Covid-19; khuyến khích sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và địa phương; gia tăng sự phối hợp, bổ trợ với ASEAN và các khuôn khổ hợp tác Mekong khác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 đến dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN; đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao Mekong – Hàn Quốc và Mekong - Nhật Bản theo hình thức trực tuyến với Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Sáng 13.11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tại hội trường, nhiều đại biểu nêu lên thực tiễn thời gian qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp với nhiều hình thức sử dụng, từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...Nhiều đại biểu cũng đặt ra vấn đề về mặt nhận thức, quan điểm coi người nghiện là "tội phạm" hay "người bệnh"; người sử dụng ma túy ở mức nào thì bị coi là "nghiện ma túy". Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Ngày 12.11.2020, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước và phát động thi đua giai đoạn 2020 - 2025. Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng biểu dương phong trào thi đua yêu nước với nhiều khởi sắc của ngành Tuyên giáo nói chung và Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng những năm qua, đã góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực công tác.Trong 5 năm qua, đã có nhiều cá nhân, tập thể của Ban được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những nỗ lực, cố gắng của mỗi tập thể, cá nhân nói riêng, cũng như của Ban Tuyên giáo nói chung - ông Võ Văn Thưởng khẳng định. Trong ảnh: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Ngày 13.11.2020, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đón nhận bản sơ đồ thiết kế Dinh III Bảo Đại do ngài Nicolas Warnery - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao tặng. Đây là bản sao (số hóa) sơ đồ thiết kế, do ông Jacques Veysseyre - con trai của Kiến trúc sư Paul Veysseyre thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam gửi tặng tỉnh Lâm Đồng. TP Đà Lạt được người Pháp xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XX. Từ  một vùng rừng núi hoang vu, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng nên một thành phố xinh đẹp, với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học - một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giáo dục của Đông Dương khi đó. Hiện nay, các công trình này vẫn còn khá nguyên vẹn, giữ được dáng vẻ cổ kính và huyền bí, mỗi công trình lại mang những nét độc đáo riêng, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Trong ảnh: Đại sứ Cộng hòa Pháp trao bản sơ đồ thiết kế cho đại diện tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hùng Dũng - TTXVN 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi), từ nay đến cuối năm, thành phố cần khoảng từ 105.000 - 115.000 chỗ làm việc với 84,5% nhu cầu là lao động qua đào tạo. Ðây sẽ là cơ hội cho những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19 và những sinh viên mới ra trường. Cùng với đó, Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới là EU, do vậy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm. Trong ảnh: Người lao động tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Ngày 13.11.2020, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận mở phiên sơ thẩm hình sự xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sương (34 tuổi, trú phường Đạo Long, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để có tiền trả nợ và tiêu xài, Sương lên mạng xã hội facebook đặt mua đồ trang sức là vàng giả sau đó đến cầm cố cho chị L.T.H, chủ tiệm vàng ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, chiếm đoạt với tổng số tiền trên 581 triệu đồng. Trước đó năm 2018, với thủ đoạn này, Sương đã chiếm đoạt tiền của một chủ tiệm vàng khác và bị tòa án địa phương tuyên phạt 3 năm tù, nhưng do có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên tạm hoãn thi hành án phạt, trong thời gian tạm hoãn thi hành án, Sương tiếp tục phạm tội. Với lần phạm tội này, Sương bị tòa án tuyên phạt 12 năm tù, tổng hai mức án Sương phải thi hành là 15 năm tù giam. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sương tại phiên xét xử. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

TRONG TỈNH

Sáng 13.11, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh với HĐND TP Chí Linh về tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích yêu cầu HĐND TP Chí Linh tiếp tục quan tâm đến cơ cấu và nâng cao chất lượng đại biểu HĐND để xứng đáng vai trò người đại diện cho nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động chất vấn, chất vấn những vấn đề cốt lõi, trọng tâm, dư luận xã hội quan tâm. Làm tốt hoạt động giám sát của Thường trực và các Ban của HĐND thành phố, nhất là thực hiện giám sát những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc. Đổi mới hơn nữa hoạt động tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tiếp nhận được nhiều ý kiến, thông tin từ cơ sở. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích chủ trì buổi giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh với HĐND TP Chí Linh. Ảnh: Hoàng Biên

Chiều 13.11, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền ở cơ sở trong đối thoại, tiếp xúc trực tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận tập trung về một số vấn đề lý luận, thực tiễn của công tác dân vận chính quyền ở cơ sở trong đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong đối thoại, tiếp xúc và giải quyết KNTC của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay. Trong ảnh: Hội thảo đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền ở cơ sở trong đối thoại, tiếp xúc trực tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Ảnh: Hà Nga

Sáng 13.11 (tức ngày 28.9 âm lịch), Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức lễ tưởng niệm 732 năm ngày mất của Nguyên từ Quốc mẫu Trần triều - phu nhân của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ giỗ Nguyên từ Quốc mẫu Trần triều được tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm lễ rước bộ, lễ dâng hương tưởng niệm và lễ tế. Sáng sớm, người dân 3 làng Dược Sơn, Bắc Đẩu, Vạn Yên (xã Hưng Đạo, TP Chí Linh) tổ chức lễ rước bộ từ đền Nam Tào, Bắc Đẩu xuống đền Kiếp Bạc. Sau lễ rước, đội tế làm lễ tế tạ, thể hiện sự thành kính, tri ân đối với công lao to lớn của đức Quốc mẫu, xin ban thuốc để người dân được vạn bệnh tiêu tán, sức khỏe dồi dào. Trong ảnh: Các đại biểu dự và làm lễ dâng hương Nguyên từ Quốc mẫu. Ảnh: Huyền Anh

QUỐC TẾ

Ngày 12.11, các quan chức bầu cử cấp cao liên bang và cấp bang của Mỹ đã lên tiếng khẳng định, "không có bằng chứng" cho thấy các phiếu bầu bị thất lạc. Theo hãng tin AFP, trong một tuyên bố, các quan chức phụ trách an ninh bầu cử Mỹ nêu rõ: "Cuộc bầu cử ngày 3.11 là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử Mỹ. Không có bằng chứng cho thấy hệ thống bỏ phiếu đã xóa bỏ, làm mất, thay đổi phiếu bầu hay bị xâm phạm theo bất kỳ hình thức nào". Tuyên bố nhấn mạnh, mặc dù xuất hiện nhiều cáo buộc vô căn cứ cũng như các thông tin sai lệch về quá trình bầu cử, giới chức bầu cử hết sức tin tưởng vào tính bảo mật và minh bạch của cuộc bầu cử. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa cáo buộc đã xảy ra gian lận và thất lạc phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 nhưng không đưa ra bằng chứng. Trong ảnh: Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar ngày 13.11 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại nước này, theo đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã giành được đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo.Theo kết quả bầu cử ngày 8.11, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 346 ghế trong cơ quan lập pháp lưỡng viện, trong khi số ghế mà đảng này cần có để giữ đa số tại Quốc hội là 322/412 ghế. Hiện 64 ghế còn lại vẫn đang phân định và chưa được công bố. Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 ở Myanmar trong vòng 60 năm qua, trong đó hơn 37 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu. Trong ảnh: Lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Nay Pyi Taw. Ảnh: THX/TTXVN

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 12.11 cho biết một vụ đắm tàu khủng khiếp ở ngoài khơi Khuma trên bờ biển Libya đã khiến ít nhất 74 người thiệt mạng. IOM cũng cho hay 47 người sống sót đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya và ngư dân đưa vào bờ. Hiện 31 thi thể đã được tìm thấy và "cuộc tìm kiếm các nạn nhân khác đang tiếp tục". Cũng trong hai ngày qua, 19 người (trong đó có 2 trẻ em) đã chết đuối sau hai vụ lật thuyền. Một con tàu của tổ chức NGO Open Arms - tổ chức duy nhất hiện đang hoạt động ở trung tâm Địa Trung Hải - đã giải cứu khoảng 200 người trong 3 chiến dịch. Trong ảnh: Người di cư và tị nạn được lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha giải cứu ngoài khơi Libya. Ảnh: DPA/TTXVN

Tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã khiến chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch ngày 12.11.2020. Trong khi đó, giá dầu thế giới cũng đi xuống sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo về nhu cầu dầu thô toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12.11, giá dầu Brent giao tháng 1.2021 giảm còn 43,53 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12 cũng giảm xuống còn 41,12 USD/thùng. Trong ảnh: Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 13.11